“Sóng” lại nổi lên với đất nền vùng ven?
Dù cơn sốt đất nền vùng ven ăn theo các thông tin quy hoạch, hạ tầng thời điểm đầu năm đã hạ nhiệt nhưng sóng lại đang nổi lên với một loại hình khác của khu vực này. Đó là phân khúc đất nhà vườn, đất trang trại, đất nghỉ dưỡng… gắn với xu hướng “bỏ phố về quê” khi đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành và phức tạp.
Trên thực tế, xu hướng này xuất hiện mạnh mẽ từ giữa năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, người dân phải trải qua một đợt giãn cách xã hội kéo dài trong tháng 4. Suốt năm 2020, xu hướng “bỏ phố về quê”, dạt ra vùng ven tiếp tục phát triển và có phần chững lại vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi đất nền nóng sốt ở nhiều khu vực có các thông tin tích cực về hạ tầng. Thế nhưng dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với tình hình nghiêm trọng hơn đã khiến xu hướng này nóng trở lại. Các khu đất ven đô có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên được săn tìm.
Năm 2018, rất nhiều lô đất nhà vườn, đất trang trại, đất nghỉ dưỡng ở Ba Vì có quy mô 1.000-2.000m2 thuộc Ba Trại, Minh Quang, Cẩm Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa chỉ có khoảng giá 600 triệu đồng- 1 tỷ/lô thì đến thời điểm tháng 6/2021, các lô đất đã được chào bán lên mức 2-4 tỷ đồng. Tại Sóc Sơn, các lô đất diện tích lớn tại Minh Trí, Quang Tiến, Xuân Giang, tùy từng vị trí, tỉ lệ thổ cư, cảnh quan xung quanh, mức giá cũng tăng từ 1-1,5 tỷ đồng/lô lên mức 3-4 tỷ đồng/lô. Những mảnh đất quy mô lớn tại Sài Sơn, Hòa Thạch, Đông Yên (Quốc Oai) cũng rời bỏ mốc 1-2 tỷ/lô của 2 năm trước, chạm mức 3-5 tỷ đồng/lô. Riêng tại Thạch Thất, do chất xúc tác nóng của thị trường Hòa Lạc thời gian qua, những khu đất quy mô lớn tại Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung hiện đang được chào bán 8-12 tỷ đồng/lô.
Dịch bệnh phức tạp khiến xu hướng đổ ra ven đô tìm một không gian sống mới của giới nhà giàu Hà Nội tiếp tục tăng mạnh. Giao dịch của thị trường tập trung chính ở những lô đất có mức giá 2-3 tỷ đồng. Một môi giới tại Sóc Sơn cho biết, trong làn sóng đổ ra vùng ven “săn” đất để xây ngôi nhà thứ hai có 2 xu hướng chính. Một là nhà giàu Hà Nội về đây để xây nhà nghỉ dưỡng ven đô cho gia đình. Hai là nhà đầu tư mua đất để kinh doanh homestay. Cũng theo môi giới này, trên thực tế thì xu hướng nghỉ dưỡng ven đô đã xuất hiện từ nhiều năm trước khi tại những thành phố lớn như Hà Nội, áp lực về dân số, môi trường ngày càng lớn. Người dân thành thị cần thời gian ngắn và chi phí thấp để giải tỏa những áp lực đó và du lịch nghỉ dưỡng ven đô đáp ứng được điều này và trở thành một nhu cầu cần thiết. Thế nhưng phải đến khi sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, xu hướng nghỉ dưỡng ven đô mới bùng nổ mạnh. Anh nhấn mạnh, sau mỗi đợt dịch tái phát, xu hướng này lại tăng, nhà đầu tư tìm về vùng ven để xây nhà vườn, khu nghỉ dưỡng ngày càng nhiều.
Ông Trần Như Trung – Tổng Giám đốc CTCP Phát triển và Tăng trưởng Xanh – EDGE cho biết, Covid-19 đã tái định hình thị trường bất động sản với sự trỗi dậy của xu hướng “đầu tư gần nhà xa tỉnh”. Biến cố Covid-19 đã trở thành một chất xúc tác quan trọng làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Với họ, nghỉ dưỡng bây giờ là staycation – những kỳ nghỉ ngắn, di chuyển thuận tiện và sử dụng phương tiện cá nhân. Bất động sản ven đô lọt vào tầm ngắm do đáp ứng được những tiêu chí trên.
Một môi giới khác đã gắn với thị trường Ba Vì hơn chục năm nay cho biết, những nhà đầu tư đổ ra vùng ven xây nhà vườn, nghỉ dưỡng cần tính toán nhiều yếu tố thực tế khác, đặc biệt là những nhà đầu tư về đây để xây dựng không gian sống riêng cho bản thân và người thân, không phải với mục đích kinh doanh homestay. Đó là việc tính toán đến chi phí cho việc trông nom, quản lý ngôi nhà của mình. Và việc xây dựng bên cạnh tính cá nhân cần chú ý đến yếu tố đại chúng để nếu cần có thể bán đi được.