5 "ông lớn" muốn đầu tư trung tâm logistics Cái Mép Hạ
5 tập đoàn, doanh nghiệp muốn đầu tư trung tâm logistics Cái Mép Hạ, chuyên gia lo ngại đầu tư cảng biển theo kiểu
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có Công văn số 11381 phúc đáp Công văn số 2854 của Bộ Ngoại giao về việc cập nhập tình hình triển khai dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ.
Theo UBND tỉnh này, đến thời điểm hiện tại, có 5 nhà đầu tư đang quan tâm đến dự án.
5 nhà đầu tư này gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế - ITC (liên danh Geleximco - ITC); liên danh Việt Nam - EU giữa Besix - Boskalis - Hateco; Công ty Cổ phần IMG Innovations; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ có diện tích khoảng 1.763ha, bao gồm: trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu (984,24ha); diện tích mặt nước (455,77ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (197,65ha); diện tích mặt nước tiềm năng (125,34ha).
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.200 tỷ đồng, trong đó chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, dự án này nằm trong danh mục các dự án có thu hồi đất trong năm 2021 đã được HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt. Tuy nhiên, dự án muốn có đủ điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, cần phải hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và phê duyệt phương án đấu giá, đồng thời phải thực hiện các thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và chuyển mục đích sử dụng đất rừng.
Được biết, dự án có tổng diện tích hơn 1.770ha, trong đó diện tích nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ là hơn 936ha (diện tích đất có rừng 586,35ha và diện tích đất chưa có rừng 349,94ha); diện tích còn lại nằm ngoài quy hoạch rừng phòng hộ là hơn 834ha (gồm đất mặt nước, đất khác…)
Nếu đầu tư phân tán
Các chuyên gia đều nhận định, Việt Nam có tiềm năng, cơ hội vượt Singapore về kinh doanh cảng biển. Tuy nhiên, để làm được như vậy thì cần có định hướng rõ mục tiêu để hướng tới một chiến lược phát triển cảng biển bền vững.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ được kỳ vọng tạo sự kết nối, thúc đẩy lợi thế phát triển logistics, trở thành một trung tâm sản xuất mới, có khả năng cạnh tranh với quốc tế.
Điều các chuyên gia lo ngại là tình trạng đầu tư cảng biển hiện nay còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng tới quá trình vận hành, khai thác cũng như mục tiêu kết nối. Nhất là tình trạng chia nhỏ cảng biển cho nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, quản lý.
GS Đặng Đình Đào (ĐH. KTQD) chỉ rõ: "hệ thống cảng biển hiện nay nằm trong tình trạng đầu tư phân tán, thu hút đầu tư cảng biển theo kiểu "phân lô, chia nền", một cảng biển khoảng hơn chục hec-ta mà có tới 5-6 nhà đầu tư cùng vào, rồi phân chia mỗi nhà đầu tư nắm giữ một vài hec-ta chứ không phải để đầu tư cảng biển. Nếu cứ giữ tư duy làm cảng biển như hiện nay, thời gian tới muốn xây dựng cảng biển lớn của khu vực và thế giới thì cảng biển Việt Nam lại phải đi theo bài học nông nghiệp Việt Nam "thu gom đất làm cánh đồng mẫu lớn".
Đó là chưa nói tới tình trạng cảng biển kết nối rất kém với hệ thống giao thông quốc gia, đặc biệt là hệ thống đường sắt. Chính vì thế áp lực vận tải cho đường bộ không được giảm tải, tai nạn, ùn tắc liên tiếp xảy ra trong khi hệ thống đường sắt bị bỏ lãng phí, đường thủy không khai thác được, hàng loạt các phương tiện vận tải ra vào cảng bị ùn tắc nghiêm trọng và về đêm nằm la liệt trên các tuyến phố vào cảng gây nhếch nhác, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo vị chuyên gia, để phát triển và phát huy được lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển, tiềm năng biển, phải có tầm nhìn dài hạn, không thể tư duy manh mún, kiểu mỗi địa phương một cảng biển được, hay mỗi nhà đầu tư lớn vào địa phương đều có cảng biển của riêng mình.