9 tháng đầu năm, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lời lãi ra sao?

Phần lớn kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều diễn biến trái chiều do phụ thuộc vào sự biến động của ‘chi phí’.

 

9 tháng đầu năm, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lời lãi ra sao? - Ảnh 1

Lợi nhuận quý 3 tăng trưởng tích cực

Phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận tăng trưởng trong quý 3/2022 đều phụ thuộc vào sự biến động của chi phí quản lý, hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tại Tổng CTCP Bảo Minh (mã: BMI), doanh thu phí bảo hiểm quý 3/2022 tăng 48%, trong khi chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng 75%, khiến doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 39%, đạt gần 1.173 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 30%, đạt hơn 38 tỷ đồng.

Trong kỳ, hoạt động đầu tư tài chính của BMI thu về lãi thuần hơn 80 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lợi nhuận gộp từ đầu tư bất động sản của BMI tuy khiêm tốn ở mức gần 2 tỷ đồng, nhưng tăng mạnh 83% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là những yếu tố giúp lợi nhuận ròng của BMI đạt gần 84 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ, dù chi phí quản lý tăng 52%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BMI ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt hơn 257 tỷ đồng và gần 224 tỷ đồng, tăng 11% và 19% so với cùng kỳ. Kết quả có được nhờ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư bất động sản ghi nhận lợi nhuận gộp lần lượt tăng 26% và 27%.

9 tháng đầu năm, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lời lãi ra sao? - Ảnh 2

Cũng ăn nên làm ra trong quý 3/2022 là Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (mã: MIG). Theo đó, doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm đạt 887 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính tăng 15% so với cùng kỳ từ 40 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng.

Chi phí hoạt kinh doanh bảo hiểm cũng tăng gần 60% từ 459 tỷ đồng lên 732 tỷ đồng, còn chi phí hoạt động tài chính tăng gấp 2,3 lần lên 2,1 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, tổng lợi nhuận sau thuế của Bảo hiểm Quân đội đạt 51 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng năm 2022 khoản lãi của công ty lại đi xuống do chi phí hoạt động tăng cao. MIC ghi nhận doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm đạt gần 2.540 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm ghi nhận mức tăng 42% lên 2.154 tỷ đồng. Do tốc độ tăng của chi phí nhanh hơn doanh thu nên MIC ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế giảm 9% so với cùng kỳ, đạt 135 tỷ đồng.

Năm 2022, Bảo hiểm Quân đội đặt chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng tối thiểu 40%, lợi nhuận tăng trưởng tối thiểu 35% so với kết quả kinh doanh năm 2021. Tính kết quả quý 3/2022, công ty đang duy trì tốt mục tiêu doanh thu.

Tương tự, Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (mã: BLI) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng.

Theo đó, quý 3/2022 doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm tăng 11%, đạt gần 282 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 17% so cùng kỳ, đạt gần 185 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BLI đi ngang so cùng kỳ, đạt hơn 97 tỷ đồng.  Hoạt động đầu tư tài chính của BLI có lợi nhuận giảm 7%, còn hơn 21 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp bảo hiểm này vẫn lãi ròng 54 tỷ đồng, tăng 8% nhờ chi phí quản lý giảm 11% về mức 51 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, dù hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lãi thuần đi lùi 10% nhưng BLI thu về hơn 130 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước nhờ lãi từ hoạt động đầu tư tài chính.

Gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm đi lùi

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm, thậm chí là thua lỗ do phần lớn hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính gặp bất lợi vì chi phí ‘leo thang’, đặc biệt chi phí quản lý tăng mạnh.

9 tháng đầu năm, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lời lãi ra sao? - Ảnh 3

Điển hình tại ‘ông lớn’ Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH) ghi nhận lãi ròng quý 3/2022 giảm 14%, còn hơn 384 tỷ đồng do lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm giảm đến 93% so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn hơn 18 tỷ đồng (nguyên nhân do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục là gánh nặng với hơn 10.030 tỷ đồng, tăng 15% - cao hơn mức tăng của doanh thu phí bảo hiểm thuần).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BVH đạt hơn 492 tỷ đồng lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm, giảm 20% so cùng kỳ; trong khi lợi nhuận đầu tư tài chính gần như đi ngang, đạt hơn 5.940 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận ròng của BVH giảm 13%, xuống còn 1.187 tỷ đồng.

Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã: BIC) cũng tiếp tục có quý kinh doanh đi lùi.

Cụ thể, quý 3/2022, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BIC có doanh thu thuần tăng 43% so với cùng kỳ, đạt gần 691 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 33% và chi phí nhượng tái bảo hiểm giảm nhẹ 5%. Dù vậy, chi phí tăng cao hơn doanh thu thuần, với mức tăng 69%, khiến lãi gộp giảm 5% còn hơn 161 tỷ đồng.

Trong khi đó, hoạt động đầu tư tài chính chỉ tăng nhẹ 4%, đạt hơn 71 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng đến 57%, lên gần 156 tỷ đồng. Do vậy, lãi ròng quý 3 của BIC giảm 47%, còn gần 57 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, với lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm đi ngang và lợi nhuận hoạt động tài chính giảm 17%, BIC ghi nhận lợi nhuận ròng hơn 177 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ.

Cùng cảnh ngộ, CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (ABIC, mã: ABI) ghi nhận lãi sau thuế quý 3/2022 giảm 43% xuống còn hơn 69 tỷ đồng do lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm giảm 20% còn gần 177 tỷ đồng cộng thêm chi phí quản lý tăng 25% lên hơn 124 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ABI thu về gần 169 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 42% so cùng kỳ, chủ yếu do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý lần lượt tăng 28% và 9%.

9 tháng đầu năm, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lời lãi ra sao? - Ảnh 4

Thậm chí, Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (mã: AIC) còn làm ăn thua lỗ trong quý 3/2022.

Cụ thể, quý 3/2022, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của AIC có lợi nhuận gộp giảm đến 74% so cùng kỳ, còn hơn 13 tỷ đồng. Thêm nữa, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm mạnh 72%, còn gần 6 tỷ đồng chủ yếu không còn được hoàn nhập chi phí đầu tư tài chính như cùng kỳ năm trước. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm này lỗ ròng hơn 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 10 tỷ đồng.

Giải trình các nguyên nhân trên, AIC cho biết trong quý 3 năm nay, tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng mạnh do cùng kỳ năm trước áp dụng lệnh giãn cách phòng chống dịch COVID-19 nên hoạt động đi lại và dịch vụ vận chuyển bị hạn chế giúp tỷ lệ bồi thường thấp hơn so với năm 2022.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán quý 3/2022 không thuận lợi so với cùng kỳ năm trước nên phần trích lập dự phòng tổn thất đầu tư chứng khoán tăng khiến lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm sâu.

Tính chung 9 tháng đầu năm, lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm giảm 21% so cùng kỳ, còn gần 95 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận ròng giảm 27% so với cùng kỳ, còn hơn 9 tỷ đồng dù lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng mạnh 80%, đạt hơn 108 tỷ đồng.

Năm 2022, AIC đặt mục tiêu đạt 68 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 4 lần thực hiện năm 2021. So với kế hoạch này, Công ty đã thực hiện được 50% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng nhưng do lỗ trong quý 3 nên tỷ lệ thực hiện trong 9 tháng thu hẹp về chỉ còn 14%.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ