ACB: Dòng tiền âm và nỗi lo nợ xấu
(SHTT) - Lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 của Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) tăng 32%. Song nợ xấu của ACB tăng 11,4% với 3.119 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng lên 0,83%. Trong đó, số dư nợ có khả năng mất vốn tại ACB chiếm tới 61%, tăng 40% so với đầu năm.
Trong quý đầu năm, hoạt động kinh doanh của ACB tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 17%, đạt gần 5.441 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng mạnh như lãi từ dịch vụ mang về hơn 739 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2021; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 55%, thu về hơn 303 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác đạt 369 tỷ đồng, gấp 7,5 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, khoản mua bán chứng khoán kinh doanh quý 1/2022 lỗ hơn 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 113 tỷ đồng và mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm mạnh 87%, chỉ thu về hơn 6,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thay vì trích lập dự phòng hơn 605 tỷ như cùng kỳ năm ngoái, quý 1/2022 ACB lại hoàn nhập 2,8 tỷ đồng. Từ đó góp phần đưa lợi nhuận trước thuế tại ACB tăng hơn 32%, đạt 4.114 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.287 tỷ đồng.
Nếu so với kế hoạch 15.018 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022, ACB đã thực hiện được được hơn 27% sau quý đầu năm.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát chia sẻ: ‘Nếu tình hình kinh tế khả quan, chúng tôi kỳ vọng có khoản thu nhập từ trích lập dự phòng COVID-19 trong năm 2021, được ghi nhận trong năm nay’.
Mặc dù quý 1/2022 có lợi nhuận tăng trưởng khả quan, song dòng tiền tại ACB lại đang hao hụt khá lớn.
Cụ thể, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại nhà băng này âm tới hơn 8.595 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 dương hơn 1.323 tỷ đồng. Bao gồm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm hơn 8.504 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 dương hơn 1.263 tỷ đồng); lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư hơn 90 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái dương hơn 59 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài không ghi nhận khoản nào.
Hiểu sao về nợ xấu tại ACB?
Tính đến 31/3/2022, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 5%, đạt 379.983 tỷ đồng trong khi đó tiền gửi khách hàng chỉ tăng trưởng khiêm tốn 1,6%, ghi nhận hơn 386.051 tỷ đồng.
Đáng chú ý chính là chất lượng tín dụng của ACB trong 3 quý đầu năm.
Cụ thể, tổng nợ xấu tính đến 31/03/2022 ghi nhận hơn 3.119 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong cơ cấu nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng tới 40%, lên gần 1.934 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) giảm còn 273 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng nhẹ 3%, lên gần 912 tỷ đồng. Như vậy, nợ có khả năng mất vốn tại ACB chiếm tới 61% trong tổng nợ xấu nhóm 3 đến nhóm 5.
Dù nợ xấu tăng, đặc biệt là nợ nhóm 5 song tỷ lệ nợ xấu của ACB vẫn ở mức rất thấp. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,78% đầu năm lên 0,83%, trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.
Trước đó, nhiều quan điểm cho rằng, ở thời điểm hạch toán, ACB đã “mạnh dạn đi ngược thị trường” khi ghi nhận phân loại nhóm nợ đúng với bối cảnh khó khăn chung của người vay do COVID -19 chưa đi qua.
Dù tỷ lệ nợ xấu của ACB thấp so với một số ngân hàng cùng nhóm, song với chính ACB vẫn là tín hiệu đáng báo động, bởi đây không phải là câu chuyện “dũng cảm” trong hạch toán.
Nợ xấu của ACB đã có tín hiệu tăng từ cuối quý 3/2020, số dư nợ xấu đã hơn 2.478 tỷ đồng, tăng tới 71% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 2,4 lần lên 831 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 75% lên 543 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 22% lên 1.105 tỷ đồng...
Số liệu nợ xấu nói trên cho thấy, nợ xấu nội bảng của ACB có thể là kết quả bước đầu của việc chuyển nhóm nợ trong 2021. Đây cũng không chỉ là vấn đề của riêng ACB mà của cả nhiều ngân hàng khác, cho dù việc phân loại nợ theo quy định mới của Thông tư 03/2021/TT-NHNN có lộ trình khá “dễ thở”.
Tính đến cuối năm 2021, nếu không tính hơn 4.749 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS, tổng nợ xấu của ACB tăng mạnh 52% so với đầu năm, lên mức hơn 2.799 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ACB tăng từ mức 0,6% đầu năm lên 0,78 %. Và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng nợ xấu đã ghi nhận hơn 3.119 tỷ đồng, cao hơn cả nợ xấu của năm 2021.
Năm 2022, mục tiêu tổng tài sản và tiền gửi tại ACB đều tăng 11% so với kết quả đạt được trong năm 2021, tương ứng 588.187 tỷ đồng và 421.897 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 kỳ vọng tăng trưởng 25% lên 15.018 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay của ACB dự kiến đạt 398.299 tỷ đồng theo chỉ tiêu được NHNN giao và sẽ được điều chỉnh cao hơn khi có sự chấp thuận của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.