ACB giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16-18% bất chấp rủi ro vĩ mô

ACB giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16-18% trong năm 2025, dù đối mặt nhiều thách thức vĩ mô. Ngân hàng dự kiến tập trung vào mảng khách hàng cá nhân, SME và mở rộng sang doanh nghiệp lớn.

Sáng nay tại TP.HCM, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, cập nhật kết quả kinh doanh năm 2024, tình hình hoạt động quý I/2025 và công bố kế hoạch phát triển cho năm 2025 cũng như định hướng 5 năm tới.

Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát, cho biết trong quý I/2025, tín dụng tăng trưởng 3%, huy động vốn tăng 2%, nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,34% – giảm so với mức 1,39% vào cuối năm 2024. Về lợi nhuận, ngân hàng hiện đang trong quá trình tổng hợp số liệu, ước tính đã hoàn thành khoảng 20% kế hoạch năm, tương đương khoảng 4.600 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của ACB
ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của ACB

Kế hoạch năm 2025 và triển vọng 5 năm

Năm 2025, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 984.967 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2024. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến đạt 728.409 tỷ đồng, tăng 14%, trong khi dư nợ cho vay kỳ vọng đạt 673.596 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 16%. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước.

Trước những lo ngại của cổ đông về khả năng hoàn thành kế hoạch trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều biến động, ông Từ Tiến Phát cho biết các yếu tố bên ngoài như chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, dòng vốn FDI và tiêu dùng nội địa tại Việt Nam. Nếu chính sách này gây ra tác động tiêu cực, tín dụng toàn hệ thống sẽ bị ảnh hưởng.

“Tuy nhiên, ACB đã tính toán nhiều kịch bản, bao gồm cả các rủi ro liên quan đến chính sách thuế. Danh mục tín dụng đã được rà soát, trong đó các doanh nghiệp FDI – nhóm chịu tác động nhiều nhất – chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng danh mục của ACB. Ngân hàng hiện có 65% dư nợ thuộc phân khúc khách hàng cá nhân, 29% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), phần còn lại là doanh nghiệp lớn. Với nhóm FDI, ACB mới chỉ bắt đầu phát triển trong 3 năm gần đây và luôn tuân thủ nguyên tắc không tập trung vào một thị trường duy nhất,” ông Phát nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết ngân hàng đã làm việc với các khách hàng trong danh mục để đánh giá ảnh hưởng thực tế, và hiện tại chưa ghi nhận khó khăn đáng kể nào.

Tập trung cá nhân và SME, mở rộng sang doanh nghiệp lớn

Dù trong bối cảnh vĩ mô nhiều bất định, ACB vẫn quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16-18% nhờ thế mạnh ở phân khúc cá nhân và SME. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng cũng nhìn nhận phân khúc doanh nghiệp lớn và FDI là thị trường đầy tiềm năng khi hiện chiếm tới 50% tổng dư nợ toàn hệ thống, trong khi tại ACB mới chỉ đóng góp 9% doanh thu.

“Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng giảm mạnh do thị trường bất động sản gặp khó và tiêu dùng suy yếu – đây lại là những mảng chính của ACB. Do đó, ngân hàng đã chủ động dịch chuyển sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp – lĩnh vực có biên lợi nhuận tốt hơn. Dù chưa khai thác sâu, tăng trưởng tín dụng trong mảng này đã đạt 80% trong 2-3 năm qua, dư nợ xấu không đáng kể” ông Phát chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cho biết, trong chiến lược 5 năm tới, ACB sẽ tiếp tục tập trung vào thế mạnh truyền thống là khách hàng cá nhân và SME, đồng thời mở rộng mảng khách hàng doanh nghiệp, kết hợp đầu tư mạnh vào công nghệ để tạo bệ phóng tăng trưởng dài hạn.

Liên quan đến Công ty Chứng khoán ACBS – công ty con của ACB, trả lời câu hỏi của cổ đông về khả năng bán vốn hoặc IPO, Chủ tịch ACBS cho biết trong những năm gần đây, công ty đã chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược. Tuy nhiên, quá trình đàm phán không đạt được kết quả như kỳ vọng và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài của ACBS. Vì vậy, kế hoạch tìm kiếm đối tác hiện đang tạm dừng.

Ngoài ra, ACBS cũng chưa có kế hoạch IPO trong thời gian gần. Mục tiêu trong năm 2025 và 2026 là hoàn thiện năng lực cạnh tranh, sau khi đã tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng trong năm 2024 và chuẩn bị tăng thêm 1.000 tỷ đồng trong thời gian tới.

Hải Đường

Theo Vietnamfinance