ACV báo lãi quý 2 đạt 2.600 tỷ đồng, nợ xấu hơn 2.000 tỷ đồng có “bêu” tên 4 hãng hàng không

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022 ACV lãi trước thuế hơn 4.300 tỷ đồng, vượt 68% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Lợi nhuận quý 2 gấp 7,7 lần cùng kỳ, đạt 2.600 tỷ đồng

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với nhiều điểm đáng chú ý khi năm 2022, và đặc biệt bắt đầu từ quý 2/2022 tình hình dịch bệnh Covid-19 đã diễn biến tốt, các doanh nghiệp mở cửa, liên tục kích cầu du lịch, nhiều điểm đến nước ngoài mở cửa đón du khách. Ở trong nước, việc đi lại đã không còn bị hạn chế, giãn cách. Do vậy việc mở cửa các đường bay trong và ngoài nước đã giúp các doanh nghiệp ngành hàng không nói chung đã kinh doanh khởi sắc trở lại, doanh thu, lợi nhuận tăng. 

Nếu chỉ tính riêng quý 2, doanh thu ACV đạt 3.420 tỷ đồng, tăng trưởng đến 125% so với quý 2 năm ngoái. Trong khi đó chi phí vốn bỏ ra chỉ tăng chưa đến 21% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.622 tỷ đồng, gấp khoảng 60 lần so với số lãi gộp 27 tỷ đồng trong quý 2/2021.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ dịch vụ khách hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt trên 45% với gần 1.600 tỷ đồng, tiếp đó là doanh thu từ dịch vụ cất, hạ cánh đạt khoảng 541 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng doanh thu. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu mảng dịch vụ khách hàng đã tăng hơn gấp 3 lần, trong khi doanh thu từ dịch vụ cất hạ cánh lại không tăng trưởng nhiều, chỉ 59%. Còn doanh thu từ dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách, hành lý cũng lại tăng mạnh gần gấp 3 lần. Nhìn chung phần lớn các mảng kinh doanh của ACV đều đạt mức tăng trưởng về doanh thu so với cùng kỳ.

ACV báo lãi quý 2 đạt 2.600 tỷ đồng, nợ xấu hơn 2.000 tỷ đồng có “bêu” tên 4 hãng hàng không - Ảnh 1

Doanh thu tài chính cũng là một tiêu chí tác động lớn đến lợi nhuận quý 2 vừa qua của ACV với 1.900 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với con số 926 tỷ đồng ghi nhận trong quý 2 năm ngoái. Trong chi tiết doanh thu tài chính có 383 tỷ đồng từ thu lãi tiền gửi, giảm gần 60 tỷ đồng so với cùng kỳ mà nguyên nhân chính do tính đến 30/6/2022 khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 3 đến 12 tháng của ACV giảm 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, còn 31.421 tỷ đồng. Góp phần lớn nhất vào doanh thu tài chính quý 2 vừa qua là khoản lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ đạt 1.475 tỷ đồng, tăng hơn nghìn tỷ đồng so với con số gần 450 tỷ đồng ghi nhận trong quý 2 năm ngoái. Nửa đầu năm 2022, đặc biệt giai đoạn cuối quý 2 tỷ giá các đồng ngoại tệ biến động mạnh tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp có sử dụng hoặc liên quan đến ngoại tệ - mà cụ thể là biến động chênh lệch tỷ giá.

ACV báo lãi quý 2 đạt 2.600 tỷ đồng, nợ xấu hơn 2.000 tỷ đồng có “bêu” tên 4 hãng hàng không - Ảnh 2

Một tiêu chí khác tác động lớn đến lợi nhuận trong quý 2 vừa qua là chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm được 120 tỷ đồng so với cùng kỳ, về mức 313 tỷ đồng. Các khoản chi phí này giảm mạnh cũng một phần từ việc giảm chi phí ủng hộ, tài trợ. Quý 2 năm ngoái ACV ghi nhận chi ủng hộ, tài trợ đến 200 tỷ đồng trong khi quý 2 năm nay giảm xuống chỉ còn 30 tỷ đồng. Ngoài ra, quý 2 năm nay ACV có các khoản chi phí cho các nhân viên quản lý tăng lên.

Kết quả, tình hình kinh doanh thuận lợi, ACV đạt 3.218 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý 2, gấp 7,6 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 7,7 lần lên xấp xỉ 2.600 tỷ đồng – mức lãi theo quý cao nhất Tổng công ty đạt được trong nhiều năm trở lại đây.

ACV báo lãi quý 2 đạt 2.600 tỷ đồng, nợ xấu hơn 2.000 tỷ đồng có “bêu” tên 4 hãng hàng không - Ảnh 3

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu ACV đạt 5.538 tỷ đồng, tăng 61,6% so với cùng kỳ. Trừ các khoản liên quan, lợi nhuận trước thuế đạt 4.306 tỷ đồng, vượt 68% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.473 tỷ đồng, tăng 190% so với số lãi 1.200 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.

Nợ xấu tăng mạnh lên trên 2.000 tỷ đồng

Tổng tài sản đến cuối quý 2 đạt gần 55.900 tỷ đồng, tăng khoảng 900 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ phải trả giảm được khoảng 2.000 tỷ đồng xuống còn 15.241 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm được 600 tỷ đồng về mức 590 tỷ đồng và dư vay nợ thuế tài chính dài hạn giảm gần 1.900 tỷ đồng về mức 11.690 tỷ đồng, đây chủ yếu là tiền vay để thực hiện Dự án Xây dựng Nhà ga T2 Nội Bài và Dự án Xây dựng nhà ga hành khách Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Kinh doanh có lãi tăng trưởng mạnh, nhưng nợ xấu của ACV cũng tăng mạnh từ 1.630 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên gần 2.040 tỷ đồng, tương ứng tăng 410 tỷ đồng, trong đó công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi 576 tỷ đồng.

ACV báo lãi quý 2 đạt 2.600 tỷ đồng, nợ xấu hơn 2.000 tỷ đồng có “bêu” tên 4 hãng hàng không - Ảnh 4

Trong các khoản phải thu khó đòi, có sự hiện diện của 4 hãng hãng không lớn trong nước, trong đó Vietjet có khoản nợ 635 tỷ đồng. Hãng hàng không Tre Việt có khoản nợ 653 tỷ đồng. Gần 380 tỷ đồng của Pacific Airlines, và có hơn 300 tỷ đồng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Ngoài ra Hàng không Mê Kông có 25 tỷ đồng đã được trích lập dự phòng 100% và các khách hàng khác hơn 44 tỷ đồng.

Thủy Trúc

Theo Chất lượng và cuộc sống