'Ẩn số' phía sau lợi nhuận hoành tráng hơn 14.000 tỷ đồng tại Agribank

Dù lợi nhuận tăng hơn 11% so với năm ngoái, ghi nhận hơn 14.000 tỷ đồng nhưng chất lượng tài sản của Agribank vẫn còn là một ẩn số khi nợ xấu lên đến hơn 24.000 tỷ đồng - đứng đầu toàn ngành.

Thấy gì ở con số lợi nhuận hơn 14.000 tỷ tại Agribank

Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2021 với lợi nhuận trước thuế của đạt 14.502 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020.

Trên báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ, đến cuối năm 2021, Agribank có tổng tài sản đạt 1,694 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với cuối năm 2020. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 1,314 triệu tỷ và tiền gửi khách hàng 1,545 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 8,4% và 9,8% so với một năm trước đó.

Theo đó, Agribank là ngân hàng có tổng tài sản và cho vay khách hàng đứng thứ 2 toàn ngành (sau BIDV) và đứng đầu ngành về tiền gửi khách hàng. Dù vậy, lợi nhuận tại Agribank có vẻ chưa tương xứng. Bởi xét về lợi nhuận, Vietcombank, Techcombank và Vietinbank lần lượt thuộc top 3 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm 2021 và Agribank chỉ xếp vị trí thứ 4.

'Ẩn số' phía sau lợi nhuận hoành tráng hơn 14.000 tỷ đồng tại Agribank - Ảnh 1

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2021, thu nhập lãi thuần tại Agribank đạt hơn 46.712 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2020. Nếu nguồn thu này đến từ việc mở rộng cho vay các khách hàng, phần nào cho thấy khả năng tăng tín dụng của ngân hàng Agribank khá tốt và hiệu quả. Thực tế, thu nhập từ lãi vay và các khoản thu nhập tương tự của Agribank năm 2021 chỉ đạt khoảng 109.572 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2020.

Thu nhập lãi thuần tại Agribank tăng chủ yếu do nhờ huy động được vốn đầu vào giảm. Bảng thuyết minh tài chính tiền tệ của Agribank cho thấy, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng (CASA) tính đến 31/12/2021 tăng 24% so với đầu năm, đạt hơn 187.557 tỷ đồng.

Do đó, chi phí lãi và các chi phí tương tự đã giảm từ 68.781 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 62.860 tỷ đồng, tương đương giảm 9%.

'Ẩn số' phía sau lợi nhuận hoành tráng hơn 14.000 tỷ đồng tại Agribank - Ảnh 2
Nguồn: BCTC riêng kiểm toán năm 2021 tại Agribank.

Có thể thấy, trong năm 2021, Agribank ghi nhận tổng tài sản lên 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 8% và dư nợ tín dụng tăng 8,4% đạt 1,31 triệu tỷ nhưng thu nhập từ lãi lại không tăng mà chủ yếu do giảm chi phí đầu vào mà sinh ra thu nhập thuần. Yếu tố này cho thấy, việc tăng tài sản, mở rộng cho vay của Agribank thực sự vẫn chưa hiệu quả cao.

Nợ xấu cao nhất ngành, nợ tiềm ẩn giảm mạnh

Một yếu tố đặc biệt khác cần phân tích kỹ khi đánh giá lợi nhuận, hiệu quả hoạt động của ngân hàng là chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản. 

Theo đó, trong năm 2021, ngân hàng đã trích lập hơn 22.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 17,7% so với năm 2020, nâng nguồn dự phòng lên hơn 34.000 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Agribank đã tăng lên 138,6%, cao hơn so với mức 110% trong năm 2020.

Động thái tăng dự phòng nợ xấu tại Agribank thực sự cần thiết trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây được xem là bộ đệm để ngân hàng ứng phó với các cú sốc tốt hơn trong tương lai. Bởi tính đến 31/12/2021, nợ xấu của Agribank ghi nhận hơn 24.553 tỷ đồng - cao nhất hệ thống ngân hàng, tăng đến 14% so với năm 2021. Trong đó, các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh.

Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 14% so với đầu năm, lên mức 3.141 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng đến 39% lên mức hơn 3.379 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 10% lên đến 18.033 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,78% lên 1,87%.

'Ẩn số' phía sau lợi nhuận hoành tráng hơn 14.000 tỷ đồng tại Agribank - Ảnh 3
Nguồn: BCTC riêng lẻ các năm.

Với khối nợ xấu đồ sộ này, nếu so với các nhà băng khác thì có vẻ tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn đang ở mức khá thấp so với nhiều ngân hàng khác. Chẳng hạn tại Vietcombank, nợ xấu năm 2021 ghi nhận hơn 6.121 tỷ đồng do đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 424%, tăng 56% so với cuối năm trước.

Tại BIDV – ngân hàng có nợ xấu cao thứ nhì toàn ngành trong năm 2021 cũng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235%, mức cao nhất trong lịch sử. Tại ACB, ngân hàng đã mạnh tay "củng cố" bộ đệm nợ xấu lên 5.862 tỷ đồng, qua đó nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ mức 160% lên 209%.

Điểm sáng trong chất lượng tài sản tại Agribank năm qua chính là khoản nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối kế toán giảm. Cụ thể, tính đến 31/12/2021, tổng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại Agribank ghi nhận hơn 22.599 tỷ đồng, giảm 22% so với đầu năm.

'Ẩn số' phía sau lợi nhuận hoành tráng hơn 14.000 tỷ đồng tại Agribank - Ảnh 4
Nguồn: BCTC riêng kiểm toán năm 2021 tại Agribank.

Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn dù không được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng (off balance sheet) và chưa được coi là nợ xấu, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài đã khiến các doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn. Vì vậy, con số nợ tiềm ẩn này có thể sẽ gây nhiều rủi ro cho các ngân hàng.

Nhìn tổng thể từ báo cáo tài chính riêng lẻ tại Agriabank có thể thấy, năm 2021, lợi nhuận tăng vẫn chủ yếu do ngân hàng tận dụng được nguồn vốn huy động rẻ, tăng thu từ dịch vụ và đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Trong khi, việc tăng tổng tài sản, tăng dư nợ tín dụng tại Agribank vẫn chưa hiệu quả cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nợ xấu vẫn còn rất lớn.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ