Áp lực nợ xấu lớn, nợ nhóm 5 tại nhà băng nào tăng mạnh nhất?
Tính đến cuối năm 2021, nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng so với đầu năm, trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tốt. Đáng nói, nợ nhóm 5 tại một số ngân hàng tăng đột biến. Ở một diễn biến khác, NHNN đề xuất kéo dài nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu thêm 3 năm.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu thêm 3 năm
Mới đây, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) tới 15/8/2025, thay vì hạn cuối là 15/8/2022.
Đề xuất của NHNN được đưa ra trong bối cảnh Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022 khiến toàn bộ cơ chế xử lý theo nghị quyết này chấm dứt. Như vậy, việc xử lý nợ xấu sẽ thực hiện theo quy định, không ưu tiên áp dụng một số chính sách.
Điều này, theo NHNN, sẽ tác động đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD. Cụ thể, việc này sẽ khiến khoảng 425.400 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tính tới thời điểm 31/5/2021 chưa thể xử lý xong.
Ngoài ra, nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được do TCTD thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ khiến các TCTD đối mặt với những khó khăn như trước khi có nghị quyết, gồm: làm giảm ý thức tự trả nợ của khách hàng; quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD không được bảo vệ, ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng, nhà đầu tư với chủ trương, chính sách của Nhà nước, Chính phủ.
Với rủi ro từ Covid-19, NHNN dự báo nợ xấu tiếp tục tăng cao, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn nợ xấu có thể cao hơn mức 7,5% nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát. Như vậy, nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại do dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế.
Áp lực nợ xấu lại gia tăng, nợ nhóm 5 tại nhà băng nào tăng mạnh nhất?
Thực tế, nợ xấu ngân hàng tính đến cuối năm 2021 tiếp tục tăng so với đầu năm, trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng báo về tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, thống kê tại 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 cho thấy, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2021 ở mức khoảng 98.800 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.
Trong đó, 9/27 ngân hàng có nợ xấu giảm so với đầu năm. Đơn cử như TPBank nợ xấu giảm 19% xuống mức 1.157 tỷ đồng; BIDV giảm 38% ở mức 13.245 tỷ đồng; nợ xấu tại OCB giảm 11% ở mức 1.350 tỷ đồng; nợ xấu tại Sacombank ở mức 5.721 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%;…
Đáng chú ý, nợ xấu của 18 ngân hàng còn lại tăng, thậm chí có ngân hàng còn tăng đột biến so với đầu năm.
Điển hình nợ xấu tại Techcombank tại thời điểm cuối quý 4/2021 tăng đến 77%, chiếm đến 2.294 tỷ đồng. Tương tự tại VIB, tổng nợ xấu tăng 58% so với đầu năm, chiếm hơn 4.670 tỷ đồng trong tổng nợ vay.
Ngân hàng quy mô lớn như ACB cũng ghi nhận nợ xấu tăng 52% lên 2.799 tỷ đồng; HDBank tăng 42% lên 3.360 tỷ đồng; CTG tăng 50% lên 14.300 tỷ đồng nợ xấu,…
Loạt ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng ghi nhận nợ xấu tăng theo cấp số lần. Chẳng hạn tại Vietbank nợ xấu tăng vọt 135% so với đầu năm lên 1.845 tỷ đồng; Nam A Bank nợ xấu tăng tới 117% lên 1.613 tỷ đồng. Ngân hàng Quốc Dân cũng tăng 105% lên 1.249 tỷ đồng; nợ xấu tại Saigonbank tăng 46% lên 325 tỷ đồng; …
Xét về cơ cấu các nhóm nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tại một số ngân hàng bất ngờ tăng mạnh so với đầu năm.
Điển hình tại Techcombank, nợ nhóm 5 tính đến 31/12/2021 hơn 755 tỷ đồng, tương đương tăng 119% so với đầu năm. Ngoài ra, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 63% lên 678 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 61% lên hơn 860 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,47% lên 0,66%. Xét về tốc độ tăng trưởng, nợ nhóm 5 tại Techcombank tăng mạnh nhất trong 27 ngân hàng.
Xét về tốc độ tăng trưởng, nợ nhóm 5 tại Nam A Bank tăng mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, tính đến 31/12/2021 nợ nhóm 5 tăng vọt 135% lên hơn 1.099 tỷ đồng. Các nhóm nợ khác gồm nợ nhóm 3 tăng 132% lên mức hơn 321 tỷ đồng và nợ nhóm 4 tăng 41% lên gần 193 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ 0,83% lên 1,57%.
Chỉ đứng sau Nam A Bank về tốc độ tăng trưởng, nợ nhóm 5 tại Techcombank ghi nhận hơn 755 tỷ đồng, tương đương tăng 119% so với đầu năm. Ngoài ra, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 63% lên 678 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 61% lên hơn 860 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,47% lên 0,66%.
Xét về tuyệt đối, Agribank chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 nên tạm tính theo số liệu đến 30/6/2021, ngân hàng này đang đứng đầu hệ thống về nợ có khả năng mất vốn với 14.330 tỷ đồng.
Đứng kế sau Agribank, nợ nhóm 5 tại BIDV đến cuối quý 4/2021 ở mức 6.979 tỷ đồng, song con số nợ xấu này đã giảm mạnh 58% so với đầu năm.
Nợ nhóm 5 là các khoản nợ đã quá hạn trên 360 ngày, các khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nhưng vẫn quá hạn trên 90 ngày, các khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2 nhưng vẫn quá hạn, các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 3. Đáng nói, đây cũng là nhóm nợ xấu với mức độ cao nhất.
Ngoài ra, nếu xét về tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay, có 14/27 ngân hàng báo giảm so với đầu năm. VPBank vẫn giữ vị trí đầu bảng và cũng là ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu hợp nhất vượt lên 4% khi tăng từ 3,41% lên 4,47%. Tính riêng trên ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 2,52% đầu năm xuống còn 2,01%.
Tỷ lệ nợ xấu tại Vietbank cũng tăng từ 1,44% hồi đầu năm lên mức 3,65% và ngân hàng Quốc dân từ 1,86% lên 3%.
Ở một diễn biến khác, năm 2021, chỉ có 2 ngân hàng báo lợi nhuận trước thuế giảm so với năm trước là Eximbank giảm 10% và ngân hàng Quốc dân giảm 38%, còn lại các nhà băng khác đều tăng trưởng lợi nhuận tốt. Thậm chí, có ngân hàng còn tăng trưởng lợi nhuận bằng lần như KLB gấp 6 lần; VietABank gấp 2,1 lần, MSB gấp 2 lần;...
Lợi nhuận ngân hàng trong năm 2022 sẽ phân hóa nhiều. Ngân hàng đã trích lập dự phòng tốt trong năm 2021 thì 2022 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế vĩ mô cũng như bảng cân đối tương đối sạch.
Những ngân hàng chưa trích lập dự phòng đủ và tăng trưởng tín dụng quá nhiều sẽ có thể gặp khó khăn trong năm nay. Tăng trưởng tín dụng quá nhiều cũng sẽ là yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho năm 2022.