Big3 ngân hàng đẩy tỷ lệ bao nợ xấu tăng cao kỷ lục
Tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ bao nợ xấu tại Big3 ngân hàng gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank bất ngờ tăng cao chưa từng có. Chẳng hạn tại Vietcombank lên 424%.
Tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ bao nợ xấu tại Big3 ngân hàng gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank bất ngờ tăng cao chưa từng có. Chẳng hạn tại Vietcombank lên 424%.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến nay là 1,9%, tăng khoảng 0,21% so với mức cuối năm 2020 là 1,69%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC tăng lên mức 3,9%, nếu tính cả nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 01 và nợ tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ước đạt 7,31%.
Theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 2022, Chứng khoán SSI cho rằng một mốc thời gian quan trọng cần theo dõi là thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng sẽ công bố nợ xấu thực tế.
Đồng thời, các chuyên gia của Chứng khoán SSI bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và/hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu khi những nhà băng này có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu. Phía Ngân hàng nhà nước cũng xác định nợ xấu là thử thách lớn cần phải đối mặt trong năm 2022.
Hiện tại, các ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính năm 2021 song kết quả kinh doanh cũng đã được hé lộ dần. Đáng chú ý nhất chính là tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng cao kỷ lục.
Cụ thể, tại hội nghị triển khai Hội nghị triển khai công tác Đảng và hoạt động kinh doanh 2022, lãnh đạo Vietcombank cho biết, tổng tài sản của ngân hàng đến cuối năm 2021 ở mức 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2020. Huy động vốn thị trường 1 đạt xấp xỉ 1,154 triệu đồng, tăng 9,5% so với năm 2020, tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2020. Dư nợ tín dụng đạt hơn 963.000 tỷ đồng, tăng gần 15%.
Đáng chú ý, Vietcombank cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Trong đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Ngân hàng trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 (sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (424%), tức mỗi đồng nợ xấu được dự phòng bởi 4,2 đồng lợi nhuận thuần. Như vậy, quỹ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank ước tính vào khoảng hơn 25.700 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ tiêu chất lượng tài sản tại ngân hàng BIDV cũng cho thấy sự thay đổi khả quan.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh xuống mức 0,81%, thấp hơn 0,73 điểm % so với năm 2020. Tỷ lệ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 0,42%, giảm 0,82 điểm % so với năm 2020.
Với dư nợ tín dụng tăng 11,8% lên 1,33 triệu tỷ đồng, có thể tính được số dư nợ xấu của ngân hàng này vào khoảng gần 10.800 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cuối quý III/2021 cũng như cuối 2020.
Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV cũng tăng vọt 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Quy mô của quỹ dự phòng này vào khoảng 25.400 tỷ đồng.
Trường hợp tại Vietinbank, dư nợ bình quân đã tăng 12,3% so với năm 2020, tương đương mức 1,14 triệu tỷ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm ở mức 1,3%, dư nợ xấu của ngân hàng này ước khoảng 14.800 tỷ đồng.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng đã tăng lên mức 171%, tức VietinBank đã chi ra 1,7 đồng để dự phòng cho mỗi đồng nợ xấu, quy mô dự phòng ước khoảng 25.308 tỷ đồng.
Thực tế, tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao, cho thấy ngân hàng càng có khả năng sẵn sàng dùng các khoản dự phòng đã trích lập để xóa các món nợ khó thu hồi. Đây được xem là bộ đệm để các ngân hàng ứng phó với các cú sốc tốt hơn trong tương lai. Một phần trong khoản trích lập này có thể được hoàn nhập trở lại khi thu hồi được nợ, và chuyển hoá thành lợi nhuận.