Apec Group - 'tay chơi' đình đám trên thị trường trái phiếu

Apec Group là một “tay chơi” đình đám trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi thường xuyên “chơi trội” trong cuộc đua lãi suất phát hành. Tuy nhiên, trái phiếu và các sản phẩm bất động sản của doanh nghiệp này cũng đang khiến nhà đầu tư phải cảnh giác với các đợt phát hành “chui”, buộc phải thu hồi trái phiếu…

Apec Group huy động bao nhiêu tiền từ trái phiếu?

Với nhu cầu mở rộng đầu tư và thâu tóm các dự án tiềm năng, Apec Group bắt đầu huy động nguồn vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào 1/2018. Từ sản phẩm trái phiếu Abond lãi suất 8%/năm đến trái phiếu Ibond lãi suất 13%/năm, hay trái phiếu Happy18 Bond lãi suất lên tới 18%, trái phiếu Apec Group liên tục gây chú ý trên thị trường với các mức lãi suất cao chưa từng có.

Theo tính toán, lãi suất trái phiếu APEC Group cao hơn mức bình quân từ 40% - 70% và dẫn đầu nhóm trái phiếu bất động sản về lãi suất huy động trên thị trường hiện nay. Đồng thời, mức lãi suất này cũng cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi ngân hàng.  

“Chơi trội” trong cuộc đua lãi suất, thế nhưng trái phiếu Apec Group khá tai tiếng khi bị xử phạt vi phạm trong phát hành trái phiếu, phát hành “chui” trái phiếu doanh nghiệp, nhiều lô trái phiếu Apec được đánh giá mức độ rủi ro cao khi phát hành không có tài sản đảm bảo, thậm chí có những mã trái phiếu phát hành ra thị trường nhưng không có nhà đầu tư tham gia…

Apec Group - 'tay chơi' đình đám trên thị trường trái phiếu - Ảnh 1
Các thông tin phát hành và kết quả phát hành trái phiếu được Apec Group đăng trên website.

Cụ thể, theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Apec Group đã chào bán một lô trái phiếu với trị giá 8,1 tỷ đồng trong năm 2020 và 16 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 499,707 tỷ đồng trong giai đoạn từ 18/1 đến 6/8/2021 ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN theo quy định. Do đó, Apec Group bị phạt 600 triệu đồng, buộc phải thu hồi các lô trái phiếu vi phạm và hoàn lại tiền cho nhà đầu tư.

Theo thống kê của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 10/2021 đến cuối tháng 3/2022, Apec Group công bố đã phát hành 13 mã trái phiếu và huy động tổng cộng 153 tỷ đồng. Trong đó, có những mã trái phiếu chỉ huy động dưới 1 tỷ đồng, thậm chí, mã trái phiếu APGCH2124004 không huy động được vốn do không có nhà đầu tư tham gia. Điều này cho thấy trái phiếu Apec Group dù lãi suất rất cao nhưng không thực sự thu hút nhà đầu tư.

Phần lớn quá trình huy động vốn qua trái phiếu của Apec Group, Công ty CP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (Mã CK: API) chính là đơn vị phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp. API là doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết trong “hệ sinh thái” của Apec. Ngoài API, Apec group còn có mối liên hệ mật thiết với nhiều doanh nghiệp đang niêm yết như Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (Mã CK: IDJ); Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Mã CK: APS).

Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT Apec Group, ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng là thành viên HĐQT của JDJ, đồng thời là Tổng giám đốc APS, Thành viên HĐQT API… Và tại các công ty có liên quan này, ông Nguyễn Hoàng Linh là Chủ tịch HĐQT Apec Holding, là em trai của ông Lăng; đồng thời, TGĐ Apec Holding là bố của ông Lăng...

Trong đó, APS cũng vừa bị phạt hơn 300 triệu đồng do kê khai sai, hạch toán thiếu thuế TNDN, thuế TNCN. Cùng với đó, APS cũng bị UBCKNN xử phạt do bán trái phiếu chui.

Trong “hệ sinh thái” Apec, loạt công ty như Công ty CP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương, Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam, CTCP Apec Land Huế… cũng liên tục phát hành trái phiếu huy động vốn với mức lãi suất cao. Trên trang web traiphieu.abond.com.vn của Apec Group, tập đoàn này cho biết thời gian qua đã huy động thành công 6.263 tỷ đồng từ 15.163 nhà đầu tư.

Apec Group - 'tay chơi' đình đám trên thị trường trái phiếu - Ảnh 2
Một đợt phát hành trái phiếu của Apec Group không có nhà đầu tư tham gia. Nguồn: HNX.

Kinh doanh cải thiện nhưng dòng tiền liên tục âm,

Nhìn tổng thể bức tranh kinh doanh năm 2021 của nhóm doanh nghiệp niêm yết liên quan đến Apec khá khởi sắc, song dòng tiền kinh doanh không ổn định.

Đối với API, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá mạnh trong năm 2021. Cụ thể, doanh thu thuần API đạt 1.168 tỷ đồng, tương đương mức tăng 138%. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng gần gấp 4 lần lên mức 202 tỷ đồng. Như vậy, API đã lập kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2021.

Tuy nhiên, nhìn vào dòng tiền kinh doanh của API âm 215 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ âm gần 66 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền đầu tư của doanh nghiệp cũng chuyển từ dương sang âm 25 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh IDJ, năm 2021 doanh nghiệp ty ghi nhận doanh thu tăng 2,2 lần lên mức 893 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận bứt phá mạnh từ 78,7 tỷ đồng lên 203 tỷ đồng. Tuy kinh doanh khởi sắc, song có thể thấy "sức khoẻ" doanh nghiệp không thực sự ổn định khi dòng tiền kinh doanh IDJ âm đến 217 tỷ đồng.

Apec Group - 'tay chơi' đình đám trên thị trường trái phiếu - Ảnh 3
Dòng tiền kinh doanh IDJ âm đến 217 tỷ đồng. Nguồn: BCTC Hợp nhất kiểm toán 2021 IDJ. 

Năm 2021 APS cũng tăng trưởng ấn tượng khi đạt 747 tỷ đồng doanh thu hoạt động, gấp 4,7 lần năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 563 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, sang đến năm 2022 APS đặt mục lãi sau thuế giảm 11,13% về mức 500 tỷ đồng.

Thông tin liên quan, mới đây APS đã thành công mua vào 500.000 cổ phiếu IDJ của công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam. Như vậy, sau giao dịch, APS đã nâng sở hữu tại IDJ lên 5,13 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,98%.

Trong đó, Đóng góp phần lớn cho doanh thu của API là dự án APEC Royal Park Huế, APEC Aqua Park Bắc Giang và APEC Wyndham Phú Yên. Tổng tài sản đến hết năm 2021 của API đạt 2.850 tỷ đồng. Tương tự, kết quả kinh doanh IDJ khởi sắc phần lớn là nhờ hạch toán dự án APEC Diamond Park Lạng Sơn và APEC Mandala Wyndham Hải Dương. Tổng tài sản IDJ đến hết năm 2021 cũng tăng 1,41 lần, đạt 3.455,5 tỷ đồng…

Vì có mối quan hệ mật thiết, nên khi chào bán trái phiếu, những thông tin công bố liên quan đến tài sản của nhóm doanh nghiệp này không được rạch ròi. Chỉ tính riêng Apec Group và IDJ cũng có sự mập mờ trong công bố thông tin, tài sản, gây hiểu nhầm cho nhà đầu tư, đặc biệt khi huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Chẳng hạn như đánh giá về IDJ, báo cáo của APS cho biết IDJ đang triển khai một loạt các dự án bất động sản, như Apec Mandala Wyndham Mũi Né; Apec Mandala Wyndham Hải Dương; Apec Diamond Park Lạng Sơn; KCN Điềm Thụy – Thái Nguyên; Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi… Trong khi đó những dự án này cũng được liệt kê trong danh mục của Apec Group để giới thiệu đến các nhà đầu tư.

“Mặc dù không tài sản đảm bảo nhưng nhà đầu tư sẽ nhìn vào danh sách các dự án, quỹ đất mà doanh nghiệp công bố để đặt niềm tin vào trái phiếu của Apec Group. Chính sự mập mờ giữa tài sản của các doanh nghiệp huy động mà một bên là đại chúng niêm yết, một bên không, khiến nhà đầu tư không phân định được “thực lực” chính xác của doanh nghiệp để ra quyết định góp vốn, để tin tưởng vào trái phiếu HappyBond. Thông qua trường hợp Apec Group để thấy, rõ ràng chuẩn mực về chi tiết công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn còn nhiều vấn đề cần xem lại”, một chuyên gia tài chính đánh giá.

Loạt sai phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản

Trên thị trường bất động sản, Apec Group được biết đến là chủ đầu tư hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đình đám. Hiện doanh nghiệp đang triển khai loạt dự án như: Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Apec Diamond Park Lạng Sơn, Apec Golden Palace Lạng Sơn, Apec Mandala Wyndham Huế, Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Mandala Wyndham Hải Dương, Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi, Apec Aqua Park Bắc Giang, Apec Golden Valley Mường Lò, Apec Aqua Park Bắc Giang, Điềm Thuỵ Center Point, Cụm công nghiệp Apec Đa Hội, Apec Dubai Ninh Thuận.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị triển khai các dự án Apec Mandala Wyndham Thái Nguyên, Apec Cao bằng, Apec Sầm Sơn Thanh Hoá. Đồng thời, Apec Group cũng đang phát triển quỹ đất và triển khai hoạt động M&A như: Khu đô thị sinh thái 64ha tại Cao Lộc – Lạng Sơn, khu đô thị sinh thái 85ha tại Tứ Kỳ, Hải Dương; khu đô thị nhà ở xã hội 9ha tại Hải Dương; khu công nghiệp Nam Sách, Hải Dương; quần thể di lịch nghỉ dưỡng Kim Bôi quy mô 485ha hay đại đô thị du lịch nghỉ dưỡng tại cao nguyên Mù Là, Bắc Kạn 4000ha…

Apec Group - 'tay chơi' đình đám trên thị trường trái phiếu - Ảnh 4
Một phần danh mục dự án đang triển khai của Apec Group. Nguồn: Apec Group.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các dự án mang thương hiệu Apec cũng gặp phải không ít rắc rối, tai tiếng. Nhiều lần công ty này bị xử phạt vì vi phạm các quy định của pháp luật.

Điển hình tại TP Lạng Sơn, tháng 11/12019 UBND TP Lạng Sơn đã ban hành quyết định xử phạt 50 triệu đồng với IDJ do đã thực hiện hành vi tổ chức thi công xây dựng dự án Apec Diamond Park Lạng Sơn khi chưa có giấy phép xây dựng với nhiều công trình, hạng mục công trình nhà liền kề.

Tại Bình Thuận, dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né bị Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận “tuýt còi” vì vi phạm Luật Phòng, chống rửa tiền, chủ đầu tư cùng các đơn vị liên kết kinh doanh đã huy động vốn trái phép.

Liên quan đến dự án này, Sở Xây dựng tỉnh Bình thuận cho biết, mục tiêu dự án là xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Mũi Né, mục đích sử dụng đất là đất thương mại, dịch vụ. Do đó, Apec Mandala Wyndham Mũi Né không phải là dự án xây dựng nhà ở thương mại, việc huy động vốn tại dự án này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, việc mua bán căn hộ không đúng theo nguyên tắc mua bán nhà, công trình xây dựng quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Apec Group - 'tay chơi' đình đám trên thị trường trái phiếu - Ảnh 5
Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né.

Tại Bắc Ninh, dự án Apec Mandala Hotel & Spa Bắc Ninh (tên cũ là Royal Park) trong quá trình thực hiện có nhiều sai phạm đã được Chủ tịch UBND tỉnh; Sở Xây dựng; Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh và UBND thành phố Bắc Ninh nhiều lần kiểm tra, chấn chỉnh và xử phạt vi phạm hành chính; Sở Xây dựng đã tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận số 282/KL-SXD ngày 17/10/2018.

Theo đó, Một số hành vi vi phạm điển hình như: Chủ đầu tư tổ chức khởi công xây dựng khi chưa có Giấy phép xây dựng; Tổ chức thi công xây dựng công trình sai thiết kế được duyệt; Thành lập Ban quản lý dự án công trình không đủ điều kiện năng lực theo quy định; Thi công xây dựng sai hồ sơ thiết kế kèm theo Giấy phép xây dựng; Đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy…

Với những sai phạm này, Royal Park bắc Ninh đã nhiều lần bị xử phạt với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.

Ngoài ra, tại một số dự án như Apec Golden Valley Mường Lò (Yên Bái), Apec Mandala Kim Bôi (Hoà Bình) thời gian gần đây cũng đang vướng “lùm xùm” huy động vốn trái phép, dự án chưa đủ điều kiện mở bán nhưng đã được các sàn giao dịch bất động sản, môi giới rao bán rầm rộ trên thị trường…

Nam Phong

Theo Sở hữu trí tuệ

Dự án liên quan

Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi
Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi

Tổng diện tích: 5.9 ha | Chủ đầu tư dự án: Tập đoàn Apec Group

Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi
Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi

Tổng diện tích: 35.6 ha | Chủ đầu tư dự án: Tập đoàn Apec Group

Apec Diamond Park Lạng Sơn
Apec Diamond Park Lạng Sơn

Tổng diện tích: | Chủ đầu tư dự án: Tập đoàn Apec Group

Apec Golden Valley Mường Lò
Apec Golden Valley Mường Lò

Tổng diện tích: | Chủ đầu tư dự án: Tập đoàn Apec Group

Apec Mandala Wyndham Hải Dương
Apec Mandala Wyndham Hải Dương

Tổng diện tích: | Chủ đầu tư dự án: Tập đoàn Apec Group

Apec Mandala Wyndham Mũi Né
Apec Mandala Wyndham Mũi Né

Tổng diện tích: | Chủ đầu tư dự án: Tập đoàn Apec Group

Apec Mandala Wyndham Phú Yên
Apec Mandala Wyndham Phú Yên

Tổng diện tích: 10,872 m2 | Chủ đầu tư dự án: Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API)

Đọc nhiều

Tin mới