'Bà trùm' giải thưởng Nguyễn Thị Thanh Nhàn và khối cơ nghiệp 'khủng'
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc AIC Group từng nhận nhiều giải thưởng danh giá trước khi bị khởi tố.
'Bà trùm' giải thưởng
Ngày 29/4, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) để điều tra về sai phạm đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (53 tuổi, quê Bắc Ninh) là người sáng lập Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC. Từ một người kinh doanh xuất khẩu lao động, bà Nhàn đã trở thành tiến sỹ, Viện sỹ trước khi thực hiện nhiều dự án tai tiếng.
Theo đó, năm 1999, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là cán bộ phụ trách mảng xuất khẩu lao động tại Công ty Xây dựng và Thương mại (Traenco, thuộc Bộ GTVT).
Đến năm 2005, Traenco được cổ phần hoá và rơi vào tay bà Nhàn, đổi tên thành CTCP Tiến bộ Quốc tế (AIC), trụ sở tại 69 Tuệ Tĩnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thời điểm đó, AIC không chỉ đơn thuần xuất khẩu lao động mà còn ký hợp đồng cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam. Người lao động được AIC lấy chủ yếu từ chính những người đã từng đi lao động xuất khẩu trở về.
Bà Nhàn khá nổi tiếng trong giới doanh nhân, khi được trao hàng loạt giải thưởng như: Bông hồng vàng, doanh nhân nữ Asean tiêu biểu, giải thưởng Sao đỏ, doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu...
Năm 2015, bà Nhàn được một Viện hàn lâm của Nga trao 2 danh hiệu cao quý: "Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004 - 2014" và phần thưởng Ngôi sao Vernadski.
Điều ngạc nhiên là năm 2017, bà Nhàn được tạp chí Forbes Việt Nam xếp trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Đến năm 2018, bà Nhàn tiếp tục nhận giải thưởng quốc tế dành cho ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh xuất sắc nhất. Cũng trong cuối năm đó, bà Nhàn nhận Huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản.
Hệ sinh thái liên tục mở rộng
Khởi phát là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực xuất khẩu lao động, nhưng nhiều năm qua, AIC Group của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn liên tục mở rộng. Đến nay hệ sinh thái AIC Group đã có hơn 10 công ty thành viên và trở thành doanh nghiệp hoạt động đa ngành với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng.
Theo đó, có thể kể đến một số cái tên như: CTCP BOT Hà Nội Xanh, CTCP Bất động sản AIC, CTCP Nguồn nhân lực quốc tế Việt Nam, CTCP Công nghệ thông tin bền vững, CTCP LMS Việt Nam, CTCP Môi trường tổng hợp MTH.
Cùng với việc mở rộng kinh doanh, AIC Group cũng ghi nhận tăng trưởng trong doanh thu và lợi nhuận, đặc biệt là trong giai đoạn 2016 – 2018.
Cụ thể, trong giai đoạn này, doanh thu của AIC tăng mạnh từ 4.422,9 tỉ đồng lên mức 6.075 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này cũng được cải thiện qua từng năm, tăng từ 94,3 tỉ đồng lên 144,6 tỉ đồng.
Tính đến cuối năm 2018, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của AIC Group lần lượt đạt 5.243,1 tỉ đồng và 1.251,5 tỉ đồng.
Cập nhật tới tháng 9/2020, AIC Group có quy mô vốn điều lệ ở mức 1.350 tỉ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn góp 765,23 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ sở hữu chi phối với 76,5% vốn điều lệ.
Cơ nghiệp 'khủng' với hàng loạt dự án tai tiếng
AIC Group hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, giáo dục, đào tạo nhân lực, khoa học và công nghệ, tham gia nhiều gói thầu cung cấp thiết bị dạy học, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải và chất thải ở nhiều bệnh viện.
Quá trình hoạt động, AIC Group trở thành đơn vị trúng nhiều gói thầu "khủng" trên khắp cả nước.
Trong lĩnh vực giáo dục, AIC Group từng trúng gói thầu số 2 thuộc dự án “Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” có giá trị hợp đồng 40,66 tỉ đồng với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội. Tại Bắc Ninh, AIC Group trúng gói thầu “Mua sắm thiết bị tin học và thiết bị phòng học đa năng trang bị cho các trường tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” có giá trị 48,7 tỉ đồng;...
AIC Group được đồn là nhà đầu tư đứng sau đề án đưa sách giáo khoa và máy tính bảng vào các trường tiểu học công lập của Sở GD&ĐT TP. HCM từng gây xôn xao dư luận cách đây nhiều năm.
Đối với lĩnh vực y tế, AIC Group từng tham gia gói thầu thuộc nhiều dự án y tế của tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Hà Nội, Gia Lai, Sơn La,...
Thế nhưng có không ít những dự án của AIC Group dù tuyên bố hoành tráng nhưng lại không được thực hiện, hoặc thực hiện nhưng chất lượng thấp. Điển hình, năm 2013, AIC trúng thầu dự án xử lý rác thải trị giá 31 tỉ đồng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, nhưng dự án mới đưa vào sử dụng đã hỏng hóc nhiều lần, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Dù làm ăn "lôm côm" như thế nhưng AIC Group lại nổi lên như doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp các thiết bị, giải pháp công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh cho các địa phương, đơn vị.
Chẳng hạn như tại Quảng Ninh, năm 2019, AIC Group của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng ghi dấu với việc đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện. Cũng trong năm này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tham gia bấm nút vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại Bắc Ninh. Phần mềm của trung tâm này do AIC Group cung cấp.
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, AIC Group còn nhanh chóng phát triển phần mềm học trực tuyến có tên gọi AIC Education và ứng dụng y tế “Covid-19” cập nhật thông tin về dịch bệnh.
Ngoài ra, AIC Group cũng đầu tư vào một số dự án bất động sản như: Dự án Khu đô thị mới AIC Mê Linh và Dự án hỗn hợp Văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (AIC Xuân Đỉnh).
Ngày 29/4 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan. Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai và Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty AIC, cùng những người liên quan về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Kết quả điều tra ban đầu, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh đầu tư tại Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 với tổng mức đầu tư 1.904 tỉ đồng, giao Bệnh viện đa khoa Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh dự án, ông Vũ và bà Nhàn đã có sự móc nối với đơn vị thẩm định giá thực hiện nhiều hành vi sai phạm, quá trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước 152 tỉ đồng.