Bà Trương Mỹ Lan lừa bán trái phiếu cho 35.000 trái chủ, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ

Trong các hành vi mà bà Trương Mỹ Lan vừa bị đề nghị truy tố ở giai đoạn 2 vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có các kết luận điều tra liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua việc phát hành 25 gói trái phiếu khống cho 35.824 trái chủ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã lách các quy định của pháp luật để tạo lập 25 gói trái phiếu khống, từ đó khởi nguồn cho hành vi lừa đảo hàng chục ngàn nhà đầu tư với số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.

Năm 2018, bà Trương Mỹ Lan ra chủ trương, họp bàn với các nhân sự cấp cao của SCB, Công ty Chứng khoán TVSI (2 pháp nhân mà bà Trương Mỹ Lan chiếm phần lớn cổ phần) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để lựa chọn Công ty An Đông phát hành trái phiếu với giá trị từ 10.000 tỷ đồng đến 15.000 tỷ đồng, lựa chọn 5 công ty làm trái chủ sơ cấp và 1 công ty đối tác để lên phương án dòng tiền “khống” tại SCB với mục đích hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp rồi phát hành trái phiếu, từ đó tạo lập các gói trái phiếu “khống” để bán cho các nhà đầu tư.

Các bị cáo tại tòa TP. HCM (ảnh tư liệu)
Các bị cáo tại tòa TP. HCM (ảnh tư liệu)

Cơ quan điều tra xác định, 4 doanh nghiệp đã phát hành 25 gói trái phiếu khống với tổng hơn 308.000 trái phiếu, bán cho nhà đầu tư và thu được tổng trị giá hơn 30.800 tỷ đồng, hiện còn dư nợ hơn 30.000 tỷ đồng.

Quá trình điều tra làm rõ, trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp không đủ điều kiện phát hành, các đối tượng đã xử lý kỹ thuật với đơn vị kiểm toán để sửa báo cáo tài chính và điều chỉnh kết quả kiểm toán. Từ đó, các tổ chức phát hành thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã họp bàn và phát hành trái phiếu với Công ty Chứng khoán TVSI để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin phát hành…

Để lách quy định tại điều 2 Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu riêng lẻ và điều 4 Nghị định 163/2018/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, các đối tượng đã lên phương án để lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống giữa các tổ chức phát hành với các trái chủ sơ cấp, các công ty đối tác và các cá nhân được thuê ký khống để hợp thức.

Các đối tượng còn lập, ký khống các chứng từ giao dịch và hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành trong cùng một ngày để cân đối sổ quỹ tiền mặt, nhằm tạo nguồn tiền hơn 30.800 tỷ đồng cho các trái chủ sơ cấp chuyển tiền cho 4 doanh nghiệp phát hành trên để mua toàn bộ hơn 308.000 trái phiếu. Từ đó, các đối tượng hợp pháp hóa tư cách trái chủ và hoàn thành tạo lập 25 gói trái phiếu “khống” rồi bán cho nhà đầu tư.

Kết quả điều tra xác định, toàn bộ các giao dịch nộp/rút tiền mặt/chuyển tiền tại SCB liên quan đến dòng tiền hơn 30.800 tỷ đồng đều là khống, không có tiền mặt nộp/rút thực tế mà chỉ đi lệnh dòng tiền để cân đối sổ quỹ tiền mặt hàng ngày tại SCB chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành.

Trong thủ đoạn trên, cơ quan điều tra xác định, bị can Võ Tấn Hoàng Văn, với vai trò là Tổng Giám đốc, điều hành chung hoạt động của SCB, đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ bán hàng của SCB xây dựng phương án đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên bán hàng tại 239 chi nhánh SCB trên toàn quốc về sản phẩm trái phiếu và tư vấn, tiếp thị mời chào khách hàng mua sản phẩm trái phiếu. Đến nay, cơ quan điều tra xác định có hơn 35.800 nhà đầu tư là nạn nhân của hành vi lừa đảo trên.

Trần Lê

Theo VietnamFinance