Bách Hoá Xanh lỗ hơn 4.000 tỷ đồng, Thế giới di động vẫn cố bơm vốn cứu và niêm yết

Chuỗi Bách Hoá Xanh đang ghi nhận khoản lỗ chưa chuyển tại ngày 31/3/2022 lên đến trên 4.400 tỷ đồng.

Ngày 13/4/2022 vừa qua, nhằm hiện thực hoá kế hoạch tái cấu trúc Bách Hoá Xanh, CTCP Thế giới di động đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thành lập công ty con – CTCP Công nghệ và đầu tư Bách Hoá Xanh (BHX Technology & Investment Co). Công ty con mới thành lập có vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Mục đích để BHX Technology & Investment mua lại toàn bộ cổ phần tại CTCP Thương mại Bách Hoá Xanh từ Thế giới di động, để BHX Technology & Investment trở thành công ty mẹ của Bách Hoá Xanh.

Cùng với đó Thế giới di động làm thêm một loạt các động tác liên quan đến tái cơ cấu hệ thống Bách Hoá Xanh lần này: tăng thêm vốn điều lệ cho BHX Technology & Investment và thực hiện chào bán riêng lẻ, tăng vốn tại Bách Hoá Xanh.

Tăng vốn “khủng” gấp 1.389 lần cho BHX Technology & Investment sau 1 tháng thành lập

Theo đó Thế giới di động thông qua tăng vốn điều lệ tại BHX Technology & Investment. Số vốn tăng thêm 13.890 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng thêm gấp 1.389 lần so với vốn điều lệ hiện tại là 10 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong tháng 5/2022.

Việc tăng vốn “khủng” chỉ trong vòng 1 tháng ngay sau ngày thành lập được Thế giới di động công bố là để “mua lại toàn bộ cổ phần của CTCP Thương mại Bách Hoá Xanh và phục vụ kế hoạch kinh doanh”.

Thế giới di động cũng cho biết việc phát hành riêng lẻ và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ diễn ra tại BHX Technology & Investment.

Tăng vốn thêm 20% tại Bách Hoá Xanh

Thế giới di động cũng thống nhất chuyển nhượng 100% cổ phần sở hữu của MWG tại Bách Hoá Xanh sang cho BHX Technology & Investment. Số lượng cổ phần chuyển nhượng cụ thể là 1.279.529.591 với giá chuyển nhượng 12.825.295.910.000 đồng. Số cổ phần này tương ứng 99,95% vốn điều lệ của Bách Hoá Xanh. Thời gian thực hiện trong tháng 5 và tháng 6/2022.

Cũng với đó Thế giới di động cũng thông qua phương án phát hành riêng lẻ cổ phiếu Bách Hoá Xanh cho nhà đầu tư với tỷ lệ chào bán tối đa 20%. Đối tượng phát hành là những đối tác, nhà đầu tư trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.

Như vậy dự kiến Bách Hoá Xanh sẽ phát hành riêng lẻ khoảng 256 triệu cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư trong đợt tăng vốn này.

Bách Hoá Xanh đang thua lỗ triền miên

Việc tái cấu trúc chuỗi Bách Hoá Xanh, tăng vốn điều lệ “khủng” lại diễn ra trong bối cảnh công ty con này đang thua lỗ triền miên. Bác cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán của Thế giới di động công bố các số liệu liên quan đến các công ty con. Theo đó nhóm công ty được phép chuyển các khoản lỗ tính thuế sang năm sau để bù trừ với lợi nhuận thu được trong vòng 5 năm tính từ năm phát sinh khoản lỗ đó. Đối với Thương mại Bách hoá Xanh, luỹ kế từ 2016-2021 ghi nhận khoản lỗ thuế gần 4.500 tỷ đồng, trong đó khoản chưa chuyển lỗ luỹ kế đến 31/12/2021 lên đến trên 4.400 tỷ đồng.

Thế giới di động cũng có giải trình, các khoản lỗ thuế năm 2016, 2017 là khoản đã được tính theo biên bản quyết toán thuế. Còn lỗ thuế các năm từ 2018-2021 ước tính theo tờ khai thuế của công ty, chưa được cơ quan thuế địa phương quyết toán.

Bách Hoá Xanh lỗ hơn 4.000 tỷ đồng, Thế giới di động vẫn cố bơm vốn cứu và niêm yết - Ảnh 1

Các “chủ nợ” Thế giới di động

Xét về sức khoẻ tài chính của công ty mẹ Thế giới di động, BCTC hợp nhất quý 1/2022 của Thế giới di động ghi nhận đến 31/3/2022 Thế giới di động đang duy trì khoản vay ngắn hạn gần 24.500 ty đồng, trong đó vay trái phiếu thường trong nước đến hạn trả hơn 1.100 tỷ đồng, vay ngân hàng dài hạn đến hạn trả hơn 2.700 tỷ đồng và vay ngắn hạn tại ngân hàng hơn 20.600 tỷ đồng.

Bách Hoá Xanh lỗ hơn 4.000 tỷ đồng, Thế giới di động vẫn cố bơm vốn cứu và niêm yết - Ảnh 2

Thế giới di động có rất nhiều “chủ nợ” trong đó chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng BNP Parias Chi nhánh Singapore với khoản dư nợ hơn 2.160 tỷ đồng có kỳ hạn trả gốc đến cuối tháng 6/2022 này. Chủ nợ lớn thứ 2 là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với tổng dư nợ hơn 1.840 tỷ đồng, kỳ hạn trả gốc cũng đến cuối tháng 6/2022. Chủ nợ lớn thứ 3 là Ngân hàng Sumitomo Mitsui chi nhánh Hồ Chí Minh có dư nợ hơn 1.780 tỷ đồng kỳ hạn trả gốc đến 20/6/2022.

Cũng trong tháng 6 này Thế giới di động còn rất nhiều khoản tiền gốc đến hạn trả. Trong tổng số hơn 20.600 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn tại ngân hàng chỉ có 1 khoản gần 1.300 tỷ đồng kỳ hạn trả gốc đến tháng 3/2023, có 1.143 tỷ đồng kỳ hạn trả gốc đến tháng 8/2022 và 448 tỷ đồng kỳ hạn trả gốc đến tháng 7/2022. Số còn lại đều có kỳ hạn trả gốc từ tháng 4 đến tháng 6/2022.

Bách Hoá Xanh lỗ hơn 4.000 tỷ đồng, Thế giới di động vẫn cố bơm vốn cứu và niêm yết - Ảnh 3

Còn khoản vay dài hạn đến hạn trả hơn 2.700 tỷ đồng từ Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Singapore) kỳ hạn trả gốc đến 19/11/2022. Các trái phiếu thường phát hành trong nước theo dạng tín chấp trị giá hơn 1.100 tỷ đồng cũng có kỳ hạn trả gốc đến tháng 11/2022.

Trong khi đó tiền và các khoản tương đương tiền đến 31/3/2022 còn hơn 3.200 tỷ đồng. và công ty còn khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn gần 11.700 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu nắm giữ.

Thủy Trúc

Theo Chất lượng và cuộc sống