BAF: Sau khi thoái hết vốn, cựu Chủ tịch HĐQT Phan Ngọc Ấn xin rút khỏi HĐQT
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Phan Ngọc Ấn với lý do cá nhân không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT.
Theo tìm hiểu, ông Phan Ngọc Ấn sinh năm 1976 và đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT BaF Việt Nam từ tháng 3/2021 tới nay. Trước đó, ông Phan Ngọc Ấn từng giữ chức Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam từ ngày 2/3/2021, đồng thời sở hữu lên tới 30% vốn điều lệ tại BaF Việt Nam (ngày 30/6/2021). Tuy nhiên, đến ngày 15/3/2022, BaF Việt Nam đã thực hiện miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn và đồng thời bầu bổ sung ông Trương Sỹ Bá vào vị trí Chủ tịch HĐQT.
Sau khi cổ phiếu BAF niêm yết sàn HoSE, ông Phan Ngọc Ấn liên tục bán ra và giảm sở hữu và tính tới cuối năm 2022, ông Phan Ngọc Ấn đã thoái ra toàn bộ và không sở hữu cổ phần nào tại BaF Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh của BAF, năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt hơn 7.047 tỷ đồng, giảm hơn 32% và lợi nhuận sau thuế đạt 293 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước.
Được biết năm này, công ty đặt mục tiêu doanh thu 5.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 402 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, công ty vượt kế hoạch doanh thu nhưng chỉ đạt 72,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của BAF giảm 10,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 549 tỷ đồng về 4.908 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.682,6 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng tài sản. Tồn kho đạt 875,3 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng tài sản.
Tính đến thời điểm hiện tại, BAF đang sở hữu 28 trang trại chăn nuôi bao gồm 17 trang trại chăn nuôi đã vận hành và 11 trang trại chăn nuôi đang phát triển trải dài trên khắp cả nước. BAF định hướng sẽ nâng số lượng trại lên 40 trang trại chăn nuôi dựa trên quỹ đất lớn sẵn có của mình. BAF cho biết khoản đầu tư của IFC đã hỗ trợ nguồn tài chính kịp thời phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô nói chung và chuồng trại nói riêng.