Bàn tròn doanh nhân, chuyên gia kinh tế

2023 là năm đánh dấu những cột mốc lớn nhìn lại một chặng đường dài, vạch ra những tầm nhìn mới, không ngoài mục tiêu hướng đến đưa đất nước phát triển thịnh vượng, người dân hạnh phúc đủ đầy. Nhân dịp đầu năm mới, Kinh doanh và Tiếp thị có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế, doanh nhân để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, nhận định những cơ hội và thách thức sắp tới.

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp

Bàn tròn doanh nhân, chuyên gia kinh tế - Ảnh 1
 

2022 là một năm đầy khó khăn của doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên, bằng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp chúng ta đã đạt được những thành quả xứng đáng. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong năm tới. Và muốn vượt qua thách thức, cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam cần phải đặt lợi ích chung lên trên hết, không chỉ cho riêng doanh nghiệp hay quốc gia mà phải là của toàn nhân loại, hướng tới sự bền vững của trái đất. Sang năm mới 2023, các doanh nhân, doanh nghiệp và mỗi người đều cần chuẩn bị sẵn tâm thế để đón nhận những thách thức và cơ hội sẽ đến.

Anh hùng lao động - Doanh nhân Nguyễn Quang Mâu

Bàn tròn doanh nhân, chuyên gia kinh tế - Ảnh 2
 

Song hành quá trình đổi mới, thế hệ doanh nhân đầu tiên đã viết nên kỳ tích thoát nghèo của đất nước. Và hiện tại, lịch sử một lần nữa lại gọi tên lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân trong công cuộc kiến thiết một Việt Nam thịnh vượng vào năm 2045, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới đà tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Việt Nam và kéo lùi thành quả phát triển kinh tế toàn cầu. Tôi cho rằng, năm 2023, từ phía doanh nghiệp, nguồn năng lượng mới sẽ đến từ ý chí vượt lên khó khăn, đổi mới sáng tạo, chấp nhận mạo hiểm để theo đuổi mục tiêu đến cùng; từ phía Chính phủ là quyết tâm thực hiện cam kết đồng hành, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tôi tin rằng nếu đi đến tận cùng của sự nỗ lực, quyết tâm và cách làm sáng tạo, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu đề ra, góp phần làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Bàn tròn doanh nhân, chuyên gia kinh tế - Ảnh 3
 

Việc thành công trong kiểm soát lạm phát năm 2022 là một điều phấn khởi, cho thấy sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội. Có một số nguyên nhân khiến lạm phát trong tầm kiểm soát tốt, gồm: Sự điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, tập trung tạo điều kiện cho sản xuất để tạo lượng hàng hóa dồi dào, nhất là nông sản thực phẩm đưa ra thị trường. Hoạt động xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường và bảo đảm kết nối cung-cầu cũng diễn ra suôn sẻ, kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của người dân.

Nhìn chung, hàng hóa dồi dào, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, phẩm cấp nên tạo điều kiện tốt cho các hộ gia đình trong sinh hoạt đời thường cũng như các dịp lễ, tết trong năm. Theo tôi, cần theo dõi diễn biến và bảo đảm vận hành phân phối, lưu thông thông suốt cũng như phòng chống hiện tượng ép giá, tăng giá bất hợp lý, khan hàng cục bộ. Tất cả nhằm tạo sự bình ổn thị trường và tâm lý an tâm cho bà con vui đón Tết Quý Mão cũng như sang đến đầu năm mới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương

Bàn tròn doanh nhân, chuyên gia kinh tế - Ảnh 4
 

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam năm 2022, trở thành động lực cho tăng trưởng GDP. Trong năm, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%). Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của nước ta, với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 836 triệu USD (năm trước nhập siêu 2,7 tỷ USD).

Sản xuất công nghiệp cũng đạt thành tựu tích cực, trong đó tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo. Việt Nam cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp điện tử. Riêng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Trên thực tế, Chính phủ đã chủ động trong dự báo, xác định biện pháp ứng phó linh hoạt và phù hợp trước những tình huống bất lợi và làm tốt công tác điều hành; nhất là trong kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn, nguồn cung xăng dầu, vật tư chiến lược; điều tiết sản xuất, hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm

Bàn tròn doanh nhân, chuyên gia kinh tế - Ảnh 5
 

Năm 2022, Việt Nam đã vượt khó và lập nên kỳ tích kinh tế. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 của nước ta tăng cao hơn hẳn so với dự báo và vượt nhiều mục tiêu kế hoạch; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp đôi tỷ lệ lạm phát là nét “khác biệt đáng tự hào”. Có được điều đó là nhờ cộng đồng doanh nhân năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn.

Cùng với đó, Chính phủ với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết, với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm đã tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh thế giới bất định, đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển. Có thể nói, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

THÁI DƯƠNG (Lược ghi)

Theo Kinh doanh và Phát triển