Bao giờ triển khai “siêu dự án” vành đai 4?

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã ký tờ trình đề nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

phoi canh vanh dai 4

Phối cảnh đường vành đai 4 chạy qua 5 tỉnh thành phố

Dự án vành đai 4 Hà Nội có 6 làn xe cao tốc và đường gom đô thị phục vụ đi lại của cư dân Thủ đô với tổng chiều dài  khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó có 58,2km đi qua TP. Hà Nội; 19,3km đi qua tỉnh Hưng Yên; 25,6km đường vành đai 4 và tuyến nối 9,7km đi qua tỉnh Bắc Ninh. Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha.

Theo tờ trình, dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 90-135m; đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 17m (bề rộng cầu 17,5m); các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Tờ trình nêu rõ, dự án đường  vành đai 4 - vùng Thủ đô được chia thành 7 dự án thành phần và đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành sẽ được tách riêng và triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Riêng dự án thành phần 3 (xây dựng chính tuyến cao tốc) sẽ đầu tư theo phương thức PPP, gồm: hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km do UBND TP. Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, bao gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 19.590 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 49.291 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 5.915 tỷ đồng; chi phí dự phòng 8.787 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn của dự án sẽ bao gồm vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 là 50.189 tỷ đồng; vốn ngân sách giai đoạn 2026-2030 là 6.214 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 27.180 tỷ đồng (chiếm 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP).

Trên cơ sở kinh nghiệm đầu tư các tuyến đường vành đai, đặc biệt là đường vành đai 3 Hà Nội, để giải quyết các giao cắt 2 bên tuyến, Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài đường vành đai 4 đi trên cao. Còn khoảng 39,13km (Hà Nội 10,53km, Hưng Yên 8,4km, Bắc Ninh 20,2km) được thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Về tiến độ, Chính phủ đề xuất chuẩn bị dự án từ năm 2021 – 2023; 2022 triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến năm 2024 cơ bản hoàn thành. Giai đoạn từ 2022-2026 tiến hành thi công xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành. Đối với dự án thành phần 3 sẽ triển khai từ 2022-2025 (tiến độ giải ngân kéo dài sang giai đoạn sau 2025).

Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống