Bảo hiểm Mirae Asset Prévoir và Cathay Life Việt Nam vào diện bị thanh tra
Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó có hai công ty bán chéo sản phẩm qua ngân hàng sau khi người dân phản ánh về những sai phạm của kênh bancassurance.
Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, Bộ Tài chính cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Trong đó, kênh bancassurance đã đóng góp tới 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh này của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, đo tăng trưởng quá nhanh, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhất là kênh bancassurance.
Trước những phản hồi của người dân, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh kiểm tra thị trường bảo hiểm và kênh bancassurance. Qua thanh tra đã phát hiện các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance như sai phạm về ban hành quy trình, quy chế; sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật.
Cơ quan thanh tra của Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý về tài chính 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 gần 1.956 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 2 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra đã đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn; yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
Trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra đối với 6 DNBH, trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 DNBH nhân thọ (Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH bảo hiểm Cathay Life Việt Nam).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, những tồn tại đã được báo chí và dư luận nêu thời gian qua vừa là thách thức, vừa là cơ hội lớn để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam hoàn thiện hơn về chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.
“Các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, dân số lớn, xu hướng phát triển công nghệ,... thì nền tảng pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về “lượng” và “chất””, ông Phớc nhận định.
Song để đạt được mục tiêu phát triển chất lượng, bền vững, theo ông Phớc, “không thể thay đổi ngay trong “ngày một, ngày hai” mà cần một quá trình, làm từng bước”.