Báo lãi, Bamboo Airway vẫn xin hỗ trợ 5.000 tỷ

Bamboo Airways kiến nghị được hỗ trợ lãi suất vay các NHTM với tổng hạn mức vay vốn dài hạn 5.000 tỷ đồng.

Xin được hỗ trợ như Vietnam Airlines

Bamboo Airways vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét và có ý kiến đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế để các Ngân hàng thương mại cho vay và hỗ trợ Bamboo Airways nguồn tài chính thông qua chính sách lãi suất ưu đãi.

Cụ thể, Bamboo Airways kiến nghị được hỗ trợ lãi suất vay các Ngân hàng thương mại với tổng hạn mức vay vốn dài hạn 5.000 tỷ đồng, đồng thời áp dụng mức lãi suất và các điều kiện vay ưu đãi hoặc xem xét cho phép Bamboo Airways được tiếp cận khoản vay ưu đãi 5.000 tỷ đồng lãi suất 0% theo hình thức NHNN tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với Vietnam Airlines.

Hãng này cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét và có ý kiến đề xuất Chính phủ và Quốc hội tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm (có thể giảm 100%) đối với các chính sách giảm giá dịch vụ, giảm thuế đã được ban hành. Cụ thể, với thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, để nghị tăng mức miễn giảm từ 30% lên 50%.

Đối với chính sách giảm giá dịch vụ cất hạ cánh, điều hành bay, Bamboo Airways đề nghị tăng thêm thời gian hỗ trợ từ tháng 10/2020 đến hết tháng 12/2021. Đồng thời ban hành thêm các chính sách, miễn giảm thêm các loại thuế phí nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không và góp phần kích cầu thị trường.

Về hỗ trợ người lao động, Bamboo Airways đề nghị gia hạn thêm thời gian áp dụng các chính sách hỗ trợ đồng thời cho phép người lao động và người sử dụng lao động được hưởng đồng thời cùng một lúc nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Bamboo Airway xin hỗ trợ vay 5.000 tỷ đồng khi đang có kế hoạch lên sàn trong năm nay và năm ngoái đã lãi 400 tỷ  
Bamboo Airway xin hỗ trợ vay 5.000 tỷ đồng khi đang có kế hoạch lên sàn trong năm nay và năm ngoái đã lãi 400 tỷ  
 

Đánh giá tác động và hiệu quả của các chính sách đã ban hành để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bamboo Airways cho rằng, các giải pháp này “chỉ hỗ trợ phần nào do phạm vi hỗ trợ và thời gian hỗ trợ còn hạn chế”.

Tổng chi phí ước tính mà Bamboo Airways được giảm do các chính sách nêu trên chỉ ở mức khoảng 120 tỷ đồng. Trong đó, 70 tỷ đồng đến từ giảm thuế nhiên liệu bay, 27 tỷ đồng đến từ chính sách giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh và 23 tỷ đồng đến từ chính sách giảm giá điều hành bay.

“Mức giảm này chỉ chiếm 1,4% trong tổng chi phí hoạt động của Bamboo Airways”, văn bản nêu rõ.

Mặt khác, với các chính sách về cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng… tác động với hãng hàng không còn hạn chế. Đặc biệt, việc cung cấp nguồn vốn tín dụng ưu đãi giá rẻ mới chỉ được áp dụng đối với Vietnam Airlines.

Trong thông cáo báo chí hồi đầu tháng 3 của Bamboo Airways, hãng cho biết hiện đang nắm 20% thị phần nội địa và tuyên bố hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh 30% thị phần trong năm 2021.

Năm 2020, trong khi Vietnam Airlines báo lỗ 11.000 tỷ đồng thì Bamboo Airways báo lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng.

Ở một diễn biến đáng chú ý, trả lời phỏng vấn Bloomberg, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho biết, hãng đang lên kế hoạch niêm yết 105 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM hoặc Hà Nội trong quý 3 năm nay. Ông Quyết cho biết, mức giá chào sàn dự kiến đạt 60.000 đồng (2,6 USD)/cổ phiếu.

Lời ăn lỗ chịu

Đề xuất hỗ trợ không phải lần đầu được Bamboo Airway đưa ra. Vào năm ngoái, cùng với Vietjet Air, Bamboo Airways cũng có động thái xin được hỗ trợ với ưu đãi tương tự như đối với Vietnam Airlines: giảm 50% phí cất hạ cánh, giảm giá dịch vụ bay đến hết năm 2021, giảm 70% thuế môi trường, miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, phụ tùng vật tư thiết bị, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho vay lãi suất 0% để trả lương cán bộ, công nhân viên...

Ở thời điểm đó, trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đã khẳng định nguyên tắc trong nền kinh tế thị trường là doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu, Nhà nước không có nghĩa vụ phải hỗ trợ. Thậm chí, nói một cách thẳng thừng, Nhà nước có thể không hỗ trợ.

Đứng về phương diện nào đó, doanh nghiệp đã đóng thuế, đã góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế thì xứng đáng được Nhà nước quan tâm và họ có quyền được đề xuất, kiến nghị, nhưng không có quyền đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ như một yêu cầu bắt buộc.

Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Nhà nước Việt Nam đã và đang hỗ trợ cho rất nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế, kể cả doanh nghiệp vừa, nhỏ và doanh nghiệp lớn để vượt qua đại dịch.

Việc xem xét hỗ trợ doanh nghiệp nào, ngành nào, cách hỗ trợ ra sao... phải dựa trên đóng góp của doanh nghiệp đó, ngành đó trong nền kinh tế và quan trọng là tùy thuộc vào năng lực của Nhà nước.

Đối với đề nghị hỗ trợ của Bamboo Airways, ông Thịnh nhìn nhận, dịch bệnh khiến những doanh nghiệp non trẻ như Bamboo Airways còn mệt hơn nữa khi vừa ra đời, chưa thể đáp ứng hết công suất thiết kế, đang phải tìm cách quảng bá thương hiệu, khuyến mãi để thu hút khách hàng thì đại dịch Covid-19 ập đến.

Các khoản chi vẫn phải chi, song nguồn thu sụt giảm mạnh thì doanh nghiệp lao đao là đương nhiên, kéo theo khả năng giành thị phần của hãng này trên thị trường hàng không là rất thấp.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ, nhưng không phải bắt buộc. Bamboo Airways cũng không thể hy vọng hay đòi hỏi được hỗ trợ tương tự, ngang bằng như Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines là trụ cột kinh tế, đại diện cho bộ mặt của hàng không quốc gia Việt Nam, đóng góp tốt cho ngân sách, và tất nhiên vì có Nhà nước đứng sau nên có thể được tạo điều kiện này khác, được hưởng những chế độ hỗ trợ khác với những doanh nghiệp khác cũng là điều có thể hiểu được.

Mức độ, phương thức, cách thức cấp vốn cho các hãng bay thế nào phải theo kinh tế thị trường và khác với một doanh nghiệp nhà nước đang đóng vai trò trụ cột".

 

Minh Thái

Theo Đất Việt