Ngành ngân hàng phát hành thêm 14 tỷ cổ phiếu tăng vốn điều lệ

Năm 2022 tiếp tục là năm “bội thực” phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của ngành ngân hàng. Dẫn đầu phát hành tăng vốn điều lệ là VPBank, VietinBank, BIDV.

Sacombank, Eximbank, PGBank là những ngân hàng không thực hiện tăng vốn trong năm 2022.  
Sacombank, Eximbank, PGBank là những ngân hàng không thực hiện tăng vốn trong năm 2022.  

Mục đích chung của việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ ngành ngân hàng là nhu cầu nâng cao năng lực tài chính, quản trị nhằm mở rộng quy mô hoạt động thông qua việc tăng trưởng tín dụng.

Năm vừa qua, lợi nhuận của ngành ngân hàng tiếp tục bội thu. Tất cả 27 ngân hàng niêm yết đều có lợi nhuận tốt với 184.147 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 33,4% so cùng kỳ năm trước, 145.521 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây chính nguồn vốn dồi dào để các ngân hàng thực hiện việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Ngoại trừ NCB chưa công bố tài liệu tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, các ngân hàng còn lại đều tổ chức đại hội với kế hoạch phát hành 14.372.263.618 cổ phiếu trị giá 143.723 tỷ đồng qua các hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP). Trong đó, số lượng phát hành để trả cổ tức là 10.694.413.518 cổ phiếu trị giá 106.944 tỷ đồng.

Sacombank, Eximbank và PGBank là 3 ngân hàng không thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Mặc dù đạt 18.052 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm vừa qua và lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 đạt 47.453 tỷ đồng, bên cạnh là các quỹ có giá trị 9.156 tỷ đồng nhưng Techcombank vẫn nói không trong cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ. Trong năm nay, Techcombank chỉ phát hành 6.323.716 cổ phiếu ESOP.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vừa qua, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank chia sẻ, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này là không cần thiết. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước hay các tổ chức tài chính quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu chứ phải vốn đều lệ.

“Chia cổ tức bằng cổ phiếu thì cổ phiếu sẽ bị pha loãng, thị giá điều chỉnh. Nhiều người nghĩ chia xong thì giá cổ phiếu tăng, nhưng không phải vậy. Tại sao không nghĩ giá cổ phiếu có thể tiếp tục tăng lên 100.000 - 200.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, cổ đông còn phải trả 5% thu nhập cá nhân khi nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy không có lợi cho ngân hàng và cổ đông lúc này", ông Hồ Hùng Anh nhận định.

Kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ (tỷ đồng) của các ngân hàng niêm yết.  
Kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ (tỷ đồng) của các ngân hàng niêm yết.  

VPBank trở thành ngân hàng phát hành nhiều nhất với 3.427.736.693 cổ phiếu, gồm 2.237.736.693 cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 50% và chào bán riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với giá không thấp hơn giá trị sổ sách, 30 triệu cổ phiếu ESOP.

Ba ngân hàng có vốn của Ngân hàng Nhà nước là VietinBank, BIDV, Vietcombank đều nằm trong cuộc đua tăng vốn năm nay.

VietinBank sẽ phát hành 1.531.862.591 cổ phiếu cho cổ đông, gồm 962.438.813 cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 20%; 569.423.788 cổ phiếu trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 11,8488%.

Ngoài phát hành 607.022.900 cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 12%, BIDV còn chào bán riêng lẻ 455.267.143 cổ phiếu.

Vietcombank sẽ phát hành 856.585.497 cổ phiếu trả cổ tức 2019, 2020 với tỷ lệ 18,1%.

Nếu tất cả phương án phát hành thành công, vốn điều lệ của 27 ngân hàng niêm yết tăng thêm 143.723 tỷ đồng, lên 658.516 tỷ đồng và có sự chênh lệch rất lớn về quy mô nhóm dẫn đầu và nhóm cuối bảng.

Top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường là VPBank (78.422 tỷ đồng), VietinBank (63.376 tỷ đồng), BIDV (61.208 tỷ đồng), Vietcombank (55.891 tỷ đồng), MB (46.882 tỷ đồng).

Top 5 ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhất thị trường thuộc về PGBank (3.000 tỷ đồng), Saigonbank (3.296 tỷ đồng), KienLongBank (4.231 tỷ đồng), Viet Capital Bank (5.289 tỷ đồng), NCB (5.568 tỷ đồng).

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và Cuộc sống