Bất động sản 2021: Sẽ phục hồi nhưng chưa thể đột phá?
Đây là nhận định chung của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại Hội thảo “Bắt mạch dòng tiền và bất động sản 2021”, vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. ...
Thị trường bất động sản đang phục hồi
Tại hội thảo “Bắt mạch dòng tiền và bất động sản 2021” diễn ra mới đây, chuyên ra CBRE cho biết, trong năm 2020 nhìn chung thị trường giá tại Hà Nội luôn thấp hơn tại TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, trong năm 2020, ở TP Hồ Chí Minh có 65% số lượng căn hộ chào bán ra thị trường nằm ở phân khúc cao cấp. Trong khi ở thị trường Hà Nội thì gần 70% số lượng căn hộ chào bán là phân khúc tầm trung, chưa xuất hiện sản phẩm hạng sang. Tuy nhiên vị chuyên gia này cũng dự báo trong thời gian tới phân khúc cao cấp tại Hà Nội sẽ nhiều hơn, theo đó thị trường giá sẽ được nâng lên.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc Bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, trong năm 2020, bất chấp dịch bệnh Covid – 19, thị trường khó khăn về nguồn cung song giá bán tất cả các phân khúc không có dấu hiệu giảm. Trái lại tăng và có những phân khúc tăng rất mạnh như phân khúc hạng sang, cao cấp là khoảng 20%.
Theo ông Kiệt, trong năm 2021, sự dịch chuyển thị trường của các chủ đầu tư tiếp tục xuất hiện. Trong đó, có xu hướng các chủ đầu tư tại TP Hồ Chí Minh sẽ di chuyển ra săn tìm quỹ đất tại Hà Nội và ngược lại các doanh nghiệp ở Hà Nội cũng “Nam tiến” thực hiện các dự án ở TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển các dự án ở những thị trường vùng ven, thị trường ven biển vẫn tiếp tục phát triển.
Cũng theo ông Kiệt, trong các năm qua khu Đông vẫn là nơi sôi động hơn cả dù số lượng dự án chào bán mới không còn dồi dào như các năm trước. Đây là khu vực được đầu tư hạ tầng phát triển, các chính sách quy hoạch, đặc biệt là thông tin về TP Thủ Đức đang tạo động lực lớn cho thị trường BĐS.
Do đó, năm 2021 thị trường sẽ có những yếu tố tích cực hơn rất nhiều, đặc biệt là sự phục hồi của những thị trường trọng điểm như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
Vì sao thị trường bất động sản 2021 chưa thể “đột phá”?
Mặc dù theo các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, năm 2021, thị trường bất động sản sẽ có những yếu tố tích cực hơn, đặc biệt là sự phục hồi của những thị trường trọng điểm như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Tuy nhiên sự phục hồi này vẫn chưa thể có bước “đột phá”, bởi nó sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thứ nhất, về thủ tục pháp lý vẫn còn “rườm rà”. Chẳng hạn, ở TP Hồ Chí Minh, việc chậm tiến độ của các dự án do vướng thủ tục pháp lý sẽ chưa được giải quyết triệt để khi chuyển sang năm 2021.
Thứ hai, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Có những tin vui là Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt, nên người dân tích cực trong việc đầu tư bất động sản. Nhưng cơ bản dịch bệnh vẫn còn, vắc xin mới xuất hiện và cần thời gian để kiểm chứng.
Dự báo về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản trong năm 2021, ông Kiệt cho rằng, trong năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung lớn ở phân khúc cao cấp, hạng sang không thể qua Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm 2021, phải chờ đến khoảng quý II hoặc quý III, cũng có thể là hết năm 2021 khi mọi thứ trở lại bình thường, các chuyến bay được mở trở lại, thì chúng ta mới có thể đón lại khách quốc tế.
Do đó, năm 2021 là năm của sự phục hồi nhưng chưa có sự đột phá. Nguồn cung sẽ có sự cải thiện, các chủ đầu tư sẽ đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho biết, trong điều kiện bất ổn về kinh tế, khủng hoảng…, người dân sẽ chuyển dòng tiền của họ thành những hình thức đầu tư khác để bảo đảm được tài sản và có thể kiểm soát được, trong đó vàng và bất động sản được ưu tiên lựa chọn.
Với các doanh nghiệp, những dự án đang phát triển (đang làm thủ tục giấy tờ, làm quy hoạch 1/2000, 1/500, thiết kế…), nếu có khó khăn hơn đi nữa, thì doanh nghiệp cũng phải làm.
“Theo tôi, thị trường có khó khăn đi nữa thì nhu cầu đối với bất động sản vẫn còn, đây là câu chuyện dài hơi chứ không phải năm sau khó khăn bởi vì chính sách này chính sách kia. Ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp là pháp lý, còn các yếu tố khác như lãi suất tăng thì đều sẽ xử lý được”, ông Khương nói.