Bất động sản 24h: Thị trường BĐS bật lò xo sau mỗi đợt Covid, quý III cơn sốt có tái diễn?
Mức độ quan tâm tới BĐS tăng bật lên sau mỗi đợt Covid-19, liệu thị trường sẽ tiếp tục sốt nóng trong quý 3?; Bất động sản nghỉ dưỡng về đâu trước làn sóng Covid-19 bùng phát?... là những thông tin được quan tâm.
Mức độ quan tâm tới bất động sản tăng bật lên sau mỗi đợt Covid-19, liệu thị trường sẽ tiếp tục "sốt nóng" trong quý III?
Theo thống kê từ batdongsan.com, trong hơn 1 năm qua lượng quan tâm đến bất động sản sau mỗi đợt dịch bùng lên mạnh mẽ. Cụ thể, sau đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4/2020 mức độ quan tâm đến thị trường tăng mạnh từ gần 3 triệu lượt/tuần lên mức 4,8 triệu lượt/tuần. Đỉnh điểm là hồi tháng 2/2021, sau đợt dịch bùng phát ở Hải Dương, mức độ quan tâm đến bất động sản tăng vọt lên 6,9 triệu lượt/tuần. Đây cũng là giai đoạn cơn sốt đất diễn ra mạnh mẽ và lan rộng cả nước.
Giải thích về tốc độ quan tâm của nhà đầu tư ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, trong bối cảnh tiền gửi ngân hàng rẻ dòng tiền dư thừa được nhà đầu tư hướng về các kênh đầu tư sinh lời như bất động sản, chứng khoán.
Đồng quan điểm với ông Quốc Anh, ông Nguyễn Thọ Tuyển, chủ tịch Công ty BHS cũng cho biết tiền rẻ là nguyên nhân khiến cơn sốt đất đang lan rộng ở nhiều nơi. "Một điều rất lạ lùng là trong khi các ngành sản xuất, chế biến, nông, lâm, thuỷ sản, hàng không, dịch vụ du lịch ... "chết bẹp" do Covid, thì ngân hàng, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh), tiền ảo đều báo lãi rất lớn".
Cung Thiếu nhi Hà Nội cần được bảo tồn thích ứng
Xét theo các tiêu chí đánh giá giá trị của một tác phẩm kiến trúc, Cung Thiếu nhi Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để có thể được coi là di sản kiến trúc hiện đại. Công trình này cũng là một trong những đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc hiện đại nhiệt đới ở Việt Nam. Chính vì vậy, nó xứng đáng tiếp tục có chỗ đứng trong khu trung tâm đô thị lịch sử của Hà Nội.
Có nhiều yếu tố làm nên giá trị của một tác phẩm kiến trúc, chẳng hạn như mức độ hòa nhập của nó với bối cảnh, nghệ thuật tổ chức không gian, phong cách kiến trúc, tỷ lệ, vật liệu… Và trong quá trình tồn tại của nó, công trình kiến trúc có thể được bổ sung những giá trị mới như giá trị lịch sử, giá trị biểu trưng. Tuy nhiên, để công trình có thể vượt ra khỏi ranh giới của những kiến trúc thông thường, trước tiên nó cần phải là tác phẩm nghệ thuật đại diện tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển của lịch sử kiến trúc. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá liệu một công trình có xứng đáng là di sản kiến trúc hay không.
Do kiến trúc cũng là nghệ thuật nên nó không nằm ngoài trào lưu phong cách của các ngành nghệ thuật khác, tuy thường bị chậm hơn bởi từ khi sáng tác đến khi tác phẩm hình thành trong thực tế có thể mất nhiều thời gian, qua những công đoạn khá phức tạp. Trào lưu phong cách làm nên tính thời đại của tác phẩm kiến trúc, giúp nó phản ánh được bối cảnh xã hội, văn hóa, nghệ thuật, công nghệ… của thời kỳ nhất định, mà không tạo ra những cảm nhận sai lầm. Phản ánh đúng bối cảnh lịch sử, thời đại tác phẩm ra đời, đó là yếu tố cần nhấn mạnh khi xác định giá trị của công trình kiến trúc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu bảo lưu và tạo dựng căn tính trong kiến trúc hiện nay, hơi thở của thời đại còn được nhấn mạnh ở tính địa phương, tính dân tộc dựa trên quan niệm thẩm mỹ, hệ giá trị, phương thức ứng xử với điều kiện tự nhiên, khí hậu... - những thứ làm nên sự đặc sắc và khác biệt của kiến trúc từ nơi này đến nơi khác.
Bất động sản nghỉ dưỡng về đâu trước làn sóng Covid-19 bùng phát?
Làn sóng Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại khi số lượng ca nhiễm tiếp tục gia tăng. Trái với kỳ vọng và niềm tin trước đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang đứng trước nhiều thách thức.
“2 tuần trước, thị trường bất động sản du lịch khá sôi động. Nhiều nhà đầu tư săn và gom hàng. Nguồn cung của sản phẩm khá dồi dào. Ai cũng có niềm tin Covid-19 đã được kiểm soát tốt hoàn toàn. Nhưng đến hiện tại, tâm lý của nhà đầu tư có chút thất vọng. Một số nhà đầu tư đổ tiền vào kênh này bắt đầu lăn tăn về khả năng sinh lời”, ông Nguyễn Anh - một nhà đầu tư đang bỏ vốn tại Quảng Ninh chia sẻ với phóng viên Reatimes.
Tâm lý lo ngại thực tế đang lan nhanh trong suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư. Trước đó, vào hồi đầu tháng 10/2020, việc tái bùng phát dịch lần 2 đã khiến giới đầu tư phải cẩn trọng trong bài toán bỏ vốn bởi nhiều điểm du lịch ghi nhận tình trạng sụt giảm lượng khách đặt phòng. Một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số. Bất động sản nghỉ dưỡng cũng rơi vào tình trạng gần như “đóng băng” bởi sự tái phát dịch bệnh tác động trực tiếp đến ngành du lịch.
Tuy nhiên, với tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, du lịch khởi sắc, bất động sản nghỉ dưỡng dần có dấu hiệu tích cực kể từ tháng 11. Nhiều nhà đầu tư mạnh tay gom hàng để đón chờ đợt sóng mới.
Chủ đầu tư “hết cửa” chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/NĐ-CP ngày 26/3/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Trong đó, Nghị định 30 quy định rõ hàng loạt giải pháp ngăn chặn chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư.
Cụ thể, trước khi ký hợp đồng mua bán nhà, chủ đầu tư phải lập một tài khoản quỹ bảo trì chung cư tại tổ chức tín dụng địa phương, tiền quỹ bảo trì người dân đóng được chuyển thẳng vào tài khoản quỹ bảo trì.
Nghị định 30 cũng quy định tổ chức tín dụng không được chuyển tiền quỹ bảo trì cho chủ đầu tư. Khi ban quản trị tòa nhà được thành lập, có văn bản yêu cầu thì tổ chức tín dụng phải chuyển quỹ bảo trì cho ban quản trị tòa nhà, kể cả trong trường hợp không có ý kiến của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, để xử lý tình huống phát sinh, Nghị định 30 cũng quy định 3 tình huống dẫn tới cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư. Thứ nhất có tài khoản bảo trì, có đủ tiền trong quỹ, thì UBND cấp tỉnh có quyết định cưỡng chế là tổ chức tín dụng phải bàn giao tiền quỹ cho ban quản trị.
Trường hợp chủ đầu tư đã tiêu hết quỹ thì cho phép cưỡng chế tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư, các địa phương có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phải bàn giao không cần xin ý kiến của chủ đầu tư. Cuối cùng, nếu chủ đầu tư không có tiền trong tài khoản kinh doanh sẽ cưỡng chế tài sản của chủ đầu tư.
Hà Nội yêu cầu báo cáo thông tin về dự án bất động sản
Theo Quyết định 06/2021/QĐ-UBND vừa được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ký ban hành, việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được thực hiện từ ngày 6/5/2021.
Việc phối hợp báo cáo, cung cấp thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản của các tổ chức, cá nhân có liên quan là nhằm xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đồng thời công bố các chỉ tiêu cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân thực hiện báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, thống nhất và kịp thời của nội dung báo cáo theo biểu mẫu quy định và phải có trách nhiệm gửi thông tin, dữ liệu trực tiếp qua mạng thông tin điện tử hoặc gửi bằng văn bản.