Bất động sản công nghiệp Việt Nam “chuyển mình” đón thời cơ vàng

(CL&CS) - Theo nhiều dự báo từ các chuyên gia bất động sản, năm 2022 sẽ chứng kiến sự chuyển mình hồi phục của phân khúc bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt ở những địa phương có điều kiện về hạ tầng hoặc còn quỹ đất để phát triển.

 

Bất động sản công nghiệp Việt Nam “chuyển mình” đón thời cơ vàng - Ảnh 1

Phân khúc bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trở thành “miếng bánh ngon”

Nhận thấy được tiềm năng và định hướng phát triển của kinh tế Việt Nam, nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều nhắm đến phân khúc bất động sản công nghiệp như “miếng bánh ngon”. Cùng với sự kiện “mở cửa” nhằm khôi phục kinh tế, giao thông qua lại giữa các quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…đến Việt Nam thuận tiện hơn sau đại dịch Covid-19. Đây là một cơ hội lớn đối với lĩnh vực bất động sản công nghiệp Việt Nam bởi lẽ ngay trong quý đầu năm không ít nhà đầu tư lớn đã mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước ta.

Nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều nhắm đến phân khúc bất động sản công nghiệp như “miếng bánh ngon”
Nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều nhắm đến phân khúc bất động sản công nghiệp như “miếng bánh ngon”

Theo Tổng cục thống kê, quý I/2022, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành là 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành.

Cùng với đó, nhờ vào gói hỗ trợ nhằm kích thích kinh tế được Quốc hội thông qua trị giá 347.000 tỷ đồng, trong đó đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ là động lực cho nhóm bất động sản khu công nghiệp phát triển.

Một số chuyên gia nhận định rằng, cơ hội cho bất động sản công nghiệp đang đến, bên cạnh việc nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, chúng ta còn được hưởng lợi do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng quốc tế. Cụ thể, chuỗi cung ứng đang dần dịch chuyển từ Trung Quốc, Ấn Độ sau khủng hoàng về năng lượng còn diễn ra từ 2 - 3 năm nữa nên Việt Nam sẽ là nước thứ 3 được hưởng lợi về vấn đề này.

Đặc biệt, do nhu cầu hàng hóa mạnh mẽ và sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng nhu cầu về diện tích nhà kho để dự trữ hàng hóa và giảm thiểu gián đoạn trong tương lai. Đây cũng được cho là yếu tố chính khiến phân khúc bất động sản này “nóng” lên hơn bao giờ hết.

"Nếu đánh theo thứ tự miền Bắc thì Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang sẽ được hưởng lợi từ việc có các quỹ đất để phát triển. Khu vực phía Nam các địa phương như Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương là những địa phương tiềm năng thu hút được các nhà đầu tư vì họ vẫn còn quỹ đất cho thuê", bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho hay.

Thị trường Việt Nam có đầy đủ tố chất để đón nhận “làn sóng” đầu tư

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ mới đây cùa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, người đứng đầu Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp mặt và trao đổi các thông tin liên quan đến hợp tác cùng phát triển với các doanh nghiệp toàn cầu.

Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yếu tố để đón sóng đầu tư
Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yếu tố để đón sóng đầu tư

Điển hình như việc Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết, hãng mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.

Bên cạnh đó, quý I/2022, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cùng với chính sách "zero COVID" của Trung Quốc khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng; chuỗi sản xuất đứt gãy, chi phí và thời gian vận tải tăng cao... Qua đó, thúc đẩy nhu cầu cao về kho bãi và nhà xưởng ngay tại các thị trường tiêu thụ - VARS nhận xét.

“Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa” khi Việt Nam luôn duy trì bền vững an ninh xã hội, cùng với nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế từ Nhà Nước. Sở hữu các điều kiện thuận lợi này, thị trường Việt Nam xứng đáng là điểm đến phát triển công nghiệp mới trong khu vực.

Điểm sáng của thị trường vẫn là phân khúc bất động sản công nghiệp. Theo VARS, mặc dù biến động trồi sụt của nền kinh tế do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn là phân khúc tăng trưởng mạnh mẽ và bền bỉ trong nhiều năm trở lại đây.

Nhu cầu lớn khiến tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp phía Nam luôn duy trì ở mức cao (90%), mức giá thuê ổn định nhờ sự tăng trưởng nguồn cung. Riêng tỉnh Long An, nhờ giao thông thuận tiện kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh nên mức giá cho thuê nhà xưởng tăng mạnh so với cùng kỳ từ 21 - 45%.

Được dự đoán về nhu cầu nhà xưởng cao, các ngành như kho vận, điện tử, nội thất và thiết bị y tế sẽ đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh cao để tìm kiếm địa điểm phù hợp. Với các tiêu chí cần cân nhắc cho phù hợp với từng doanh nghiệp như diện tích đất, giá cả và khả năng tiếp cận với cảng biển hay sân bay. Bất động sản công nghiệp vẫn tập trung nhiều tại các địa bàn lân cận khu đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng.

Điều này khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm và đẩy giá đất tăng cao. Tùy vào đặc tính của từng ngành, nhà đầu tư sẽ tìm thấy những cơ hội và lợi thế phát triển khác nhau ở từng địa bàn bởi mỗi lĩnh vực sẽ có những yêu cầu riêng.

Theo Chất lượng và Cuộc sống