Chủ tịch Công ty Shinec: Cần quyết sách tạo đà bứt phá cho bất động sản công nghiệp sinh thái

“Những doanh nghiệp đầu tư bất động sản công nghiệp đang chờ đợi các quyết sách của Quốc hội ra nhanh để có thể tích hợp các điều luật với nhau, giúp các nhà phát triển bất động sản công nghiệp phát triển nhanh hơn tốt hơn, nhất là mảng bất động sản “xanh hóa” này”, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec cho biết tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2022 với chủ đề “Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới” tổ chức ngày 24/5.

Các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến KCN sinh thái

Việt Nam hiện có 335 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 100.000 ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo các chuyên gia, mô hình các KCN đang hướng tới là hệ sinh thái công nghiệp xanh và bền vững. Từ đó, sẽ thu hút “đại bàng” về an cư, lạc nghiệp, tạo ra giá trị bền vững cho tương lai.

Cần khẳng định rằng, các KCN đã và đang đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Sau một thời gian phát triển với nhiều giai đoạn, định hướng khác nhau, đến nay các nhà đầu tư đang rất quan tâm tới hệ sinh thái công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững. Nhà nước hiện cũng đang rất chú trọng đến việc phát triển các KCN xanh. Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế có nêu rõ mục tiêu chính sách khuyến khích phát triển KCN sinh thái và các tiêu chí xác định KCN sinh thái ở Việt Nam.

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2022 với chủ đề “Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới” được tổ chức ngày 24/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông cho biết, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh, tuy nhiên Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2022, đã có 10,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam; trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.

Các đại biểu, khách mời tham gia thảo luận tại Diễn đàn.  
Các đại biểu, khách mời tham gia thảo luận tại Diễn đàn.  

Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
“Các khu công nghiệp, khu kinh tế được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương” – Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Chủ tịch Công ty Shinec: Cần quyết sách tạo đà bứt phá cho bất động sản công nghiệp sinh thái - Ảnh 1

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec chia sẻ về điểm ngẽn trong phát triển BĐS công nghiệp.

Gỡ điểm nghẽn để đón “đại bàng”

Triển vọng của KCN sinh thái là rất lớn, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn liên quan đến pháp lý khiến nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp quan tâm còn băn khoăn. Dưới góc độ là chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec cho rằng, muốn phát triển bất động sản trong KCN thì điều đầu tiên là cần suy nghĩ đến quy hoạch của thành phố, tỉnh và quy hoạch vùng. Tiếp đó, tích hợp giữa các luật quy hoạch, luật đất đai, luật dự án, luật dân sự và những luật về môi trường nhằm giúp cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng được tiệm cận với đất đai, với môi trường đầu tư tốt hơn. Nếu các luật nêu trên không thể tích hợp được với nhau, vẫn có thể làm được nhưng rất khó. Đồng thời, các nhà quản trị xã hội, các cấp chính quyền khó có thể xử lý khi điều chỉnh lại thời gian và thời gian xin một dự án là rất dài, rất khó trong việc phát triển.

Trong khi đa phần doanh nhân tập trung đầu tư để thu lợi nhuận tối đa thì tại KCN Nam Cầu Kiền, chủ đầu tư lại bỏ ra số vốn không nhỏ cho công tác bảo vệ màu xanh của môi trường. KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (do Công ty Cổ phần Shinec làm chủ dự án) đã ra đời từ sự khác biệt và khát vọng xanh để trở thành một khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Dẫn chứng cụ thể, ông Điệp cho hay công ty Shinec đã xây dựng khu công nghiệp Nam Cầu Kiền giống như một công viên sinh thái, mang giá trị văn hóa địa phương vào khu công nghiệp, thay đổi suy nghĩ của mọi người về khu công nghiệp. Mô hình của Shinec được rất nhiều trường đại học quan tâm và tổ chức thường xuyên cho sinh viên đến tham quan. Qua đây, Shinec cũng muốn tuyên truyền cho thế hệ trẻ về hướng đầu tư bền vững, bảo vệ giá trị cốt lõi cho tương lai.

Ngoài ra, Shinec đang xây dựng 3 hệ thống kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái, trong đó, các nhà đầu tư sản xuất cộng sinh với nhau, đem lại giá trị gia tăng cho nhau và chính họ là những người cùng khu công nghiệp xây dựng nên hệ sinh thái tuần hoàn.

Ông Phạm Hồng Điệp cho rằng tất cả các nhà làm Luật cần đánh giá đúng tính chất của bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp. Bất động sản công nghiệp phải đi đôi với phát triển hạ tầng như đường cao tốc, giao thông vận tải,… thì mới có thể thu hút được đầu tư và giải quyết được các điểm nghẽn.

“Với đầu tư công nghiệp thì mọi người đều phải hiểu rằng đây là lĩnh vực đầu tư giúp cho lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của địa phương đó. Những người làm đầu tư bất động sản cũng là những người rất can đảm”, ông Điệp nói.

Ông Điệp cho biết thêm, ông cũng như những doanh nghiệp đầu tư bất động sản công nghiệp đang chờ đợi các quyết sách của Quốc hội ra nhanh để có thể tích hợp các điều luật với nhau, giúp các nhà phát triển bất động sản công nghiệp phát triển nhanh hơn tốt hơn, nhất là mảng bất động sản “xanh hóa” này.

Khẳng định quyết tâm xây dựng KCN sinh thái, bền vững, ông Điệp cho biết thêm: “Khi quy hoạch điện VIII hoàn thành, các nhà đầu tư trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền sẵn sàng xung phong đầu tư vào năng lượng tái tạo mà cụ thể là năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường”.

Nhận định thị trường bất động sản công nghiệp năm 2022, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec cho rằng, chắc chắn các nhà đầu tư luôn chờ đợi ở năm 2022 và tiếp theo là năm 2023 về các quyết sách của Quốc hội ra nhanh hơn, để tích hợp được nhiều điều luật, giúp các nhà đầu tư có thể phát triển bất động sản công nghiệp nhanh hơn, tốt hơn. Đặc biệt, hệ sinh thái KCN cũng được phát triển một cách tốt nhất.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong phần sửa đổi, nhiều “điểm nghẽn” tồn tại lâu nay sẽ được giải quyết như quy hoạch, thủ tục hành chính… Việc sửa đổi nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp; giảm bớt các thủ tục trùng lắp để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất.

Có thể nói, trải qua hơn 30 năm phát triển hệ thống KCN tại Việt Nam, đến nay mô hình KCN sinh thái đang được cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Đây cũng là hướng đi đúng đắn để phát triển kinh tế một cách bền vững, bảo vệ môi trường. Vấn đề đặt ra là cơ chế, chính sách còn tồn tại một số điểm nghẽn, mà nếu giải quyết được sẽ là điểm đến an cư của các “đại bàng”, không chỉ trong nước mà còn từ nguồn vốn FDI.

Thanh Lam

Theo Kinh doanh & Phát triển