Bất động sản khu công nghiệp đang sở hữu những lợi thế gì?

Với các lợi thế về nền kinh tế định hướng xuất khẩu với nhiều chính sách hỗ trợ, vị trí địa lý chiến lược cùng với chi phí vận hành ưu đãi… thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam được các chuyên gia đánh giá vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư cân nhắc và lựa chọn.

BĐS khu công nghiệp thu hút đầu tư

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18,1 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản (đứng thứ 2 sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 47,2%. Tiếp theo là ngành tài chính - ngân hàng thu hút 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,7 lần).

Bất động sản khu công nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư.  
Bất động sản khu công nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư.  

Chia sẻ về lợi thế trong thu hút đầu tư của Việt Nam trong diễn đàn gần đây, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, cho biết, Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu tiếp tục như này, việc đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có gì là giới hạn. Hiện các nhà đầu tư đang nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong chính sách đầu tư và nhiều hỗ trợ rất cụ thể từ phía chính quyền địa phương.

Hiện tại, Việt Nam đang có nhiều lợi thế như: là quốc gia cởi mở nhất khu vực Đông Nam Á nhờ vào các FTA. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế (CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...) đã mang lại lợi thế thương mại đáng kể, giúp gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư. Giá thuê đất thấp hơn so với các nước trong khu vực ASEAN. Cùng với đó là xu hướng Trung Quốc+1 cũng đang trở thành kênh quan trọng đối với Việt Nam, chiếm khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất rời khỏi Trung Quốc.

Theo CBRE Việt Nam, giá thuê đất tại miền Nam bình quân tăng 8-13% theo năm và đạt 166 USD/m2/kỳ hạn thuê còn lại vào cuối năm 2022, cao hơn khoảng 38% so với mức trung bình của khu vực miền Bắc. Giá thuê có thể hơn 280-300 USD/m2/kỳ hạn thuê tại các vị trí đắc địa trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương và Long An.

Còn ở thị trường miền Bắc, giá thuê trung bình của các thị trường cấp 1 phía Bắc ở mức 120 USD/m2 cho kỳ hạn thuê, tăng 11% so với năm trước.

Trong cuộc khảo sát ý định đầu tư mới nhất của ANREV, bất động sản công nghiệp và logistics là loại hình được ưa chuộng thứ 2 (sau bất động sản nhà ở), với 76% nhà đầu tư dự định đầu tư vào lĩnh vực này tại c

Bất động sản khu công nghiệp đang sở hữu những lợi thế gì? - Ảnh 1

Phát huy thế mạnh là điểm sáng của thị trường trong năm 2023

Savills Việt Nam dự báo nhu cầu thuê đất công nghiệp tiếp tục cao trong năm nay, trong đó, điểm đáng chú ý là xu hướng gia tăng đầu tư cho các sản phẩm chuyên biệt như nhà kho xây sẵn (RBW), nhà xưởng xây sẵn (RBF), logistics (kho bãi hậu cần), data centers (trung tâm dữ liệu),...

Đồng quan điểm, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills, khẳng định thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.

“Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối (last-mile logistics) và triển khai hệ thống logistics 4.0. Hơn nữa, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh tại Việt Nam là điểm các chủ đầu tư có thể tận dụng để phát triển thêm dự án mới, tăng nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu (built – to - suit) nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với rất nhiều lợi thế.

Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư tin tưởng bởi tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với 16 Hiệp định FTA đã tham gia. Đáng chú ý, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ tính trong năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua.

Điều này cho thấy, cơ hội dành riêng cho các doanh nghiệp nằm trong tay quỹ đất lớn như IDC, VGC, KBC và BCM… Trước đó, Mirae Asset đã từng đưa ra đánh giá cao tiềm năng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đầu ngành này khi họ sở hữu quỹ đất nằm tỏng khu vực trọng điểm cùng với việc sở hữu tệp khách hàng gồm các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyosung, Foxconn...với kế hoạch tăng cường hợp tác mở rộng đầu tư sắp tới là một lợi thế khi dòng vốn mới sẽ ưu tiên thuê đất tại các khu công nghiệp mà các công ty hay tập đoàn đa quốc gia đã đề cập có cơ sở sản xuất.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển