FDI dòng vốn quan trọng giúp thị trường BĐS Việt Nam thoát khỏi “vũng lầy”
Việc thu hút nhiều dự án FDI trong lĩnh vực BĐS giúp đa dạng hóa các loại hình BĐS tại Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây khi BĐS công nghiệp, nhà ở và chung cư cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS chăm sóc sức khỏe... đã tăng lên rõ rệt bên cạnh loại hình truyền thống như BĐS nhà ở.
Trước biến động của thị trường thế giới nói chung và thị trường nội tại Việt Nam nói riêng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường gặp nhiều khó khăn. Những yếu tố này đang gây áp lực, làm giảm đáng kể dòng vốn FDI toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác đầu tư của Việt Nam, dẫn đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Bất động sản đứng thứ 2 thu hút vốn FDI
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến cuối tháng 8, tổng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản khoảng 1,76 tỉ đô la Mỹ, đứng vị trí thứ 2 về thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, con số này giảm hơn 47% so với cùng kỳ.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài còn cho biết, đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực BĐS có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.
Trong đó, BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Đáng chú ý, đã có 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, dẫn đầu tư là Singapore, với tổng vốn đầu tư hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,4% so với cùng kỳ 2022; Trung Quốc đứng thứ hai với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 90,8% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,58 tỷ USD, chiếm hơn 14,2% tổng vốn đầu tư, tăng 73,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,...
Xét theo địa phương đã có 45 tỉnh, thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 72,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương,…
Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng duy trì đà tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tính tới 20/8/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,5 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm.
Tiềm năng thu hút dòng vốn FDI vào bất động sản
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư như: Chính trị ổn định, an toàn; Tăng trưởng kinh tế cao; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào; thị trường tiềm năng; vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn.
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài thuận lợi cho xây dựng các BĐS nghỉ dưỡng. Đồng thời, hệ thống luật pháp, chính sách và môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch và đang tiếp tục được hoàn thiện. Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện.
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như, đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành BĐS.
Ông Paul Fisher cũng chia sẻ, "Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, trong đó một số nhà đầu tư đã bắt đầu “chốt” các giao dịch tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện tại, giới đầu tư đang xem xét các khoản đầu tư đa dạng trên khắp Đông Nam Á. Một số nhà đầu tư đang định vị địa điểm để đặt văn phòng làm việc và như vậy, nhiều khoản đầu tư vào Việt Nam có thể được “chốt” cuối năm nay".
Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lại là một bài toán cần phải giải quyết nhất là vướng mắc về thủ tục pháp lý. Đánh giá ở góc độ chuyên gia về lĩnh vực tư vấn đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam cho biết các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư.
“Việc thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này làm giảm nguồn cung trên thị trường và đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và nhà ở thương mại luôn được đặt ra hàng đầu đối với các thành phố lớn”. Ông Khương cho rằng, vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất làm giảm sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn được những khó khăn khi đón sóng đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn đưa ra 5 giải pháp bao gồm: thứ nhất, phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường BĐS, thứ hai là chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc (năng lực tài chính, trách nhiệm với môi trường), thứ ba là khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng, thứ tư là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường BĐS, cuối cùng là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Trong giai đoạn hiện nay, giới chuyên gia đánh giá, dòng vốn FDI vô cùng quan trọng, sẽ góp phần thúc đẩy và vực dậy thị trường bất động sản.