Bất động sản khu công nghiệp lọt tầm ngắm của nhà đầu tư toàn cầu
Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục được chuyên gia kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2024. Ông Paul Tonkers - Phó giám đốc Bất động sản công nghiệp Công ty Core5 Việt Nam nhận định, nhiều nhà sản xuất linh kiện ô tô đang nhắm đến Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu. Phần lớn nhà đầu tư cá nhân, tổ chức quốc tế đều coi Việt Nam là điểm đến tiềm năng.
Việt Nam là 1 trong các quốc gia cạnh tranh hàng đầu về BĐS KCN
Nhìn nhận về xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn đang diễn ra và quy mô ngày càng lớn hơn trên toàn cầu. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới không ngừng tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy sản xuất, đặc biệt các ngành có giá trị cao như điện tử, bán dẫn,… là một trong những cơ hội để bất động sản khu công nghiệp tiếp tục bứt phá thị trường bất động sản trong năm nay và nhiều năm về sau.
Ông Paul Tonkers nhận định, các nhà phát triển khu công nghiệp cần cơ cấu lại các dịch vụ, sản phẩm để phục vụ tốt nhu cầu khách thuê, cần có sự điều chỉnh và đáp ứng được các yêu cầu về ESG, tích hợp vào các chiến lược phát triển dài hạn, bền vững như trung hòa carbon, tiết kiệm điện, nước...
Chuyên gia đánh giá, năm 2023 là một năm ngoại giao thành công của Việt Nam khi đã nâng cấp quan hệ thêm với nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo đó, vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế cũng liên tục được cải thiện. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong quý IV/2023, chỉ số niềm tin kinh doanh tại Việt Nam đã có những chuyển biến mới theo hướng tích cực hơn.
Báo cáo của EuroCham cũng nêu rõ, trong quý IV/2023, vị thế “điểm nóng” đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể, con số ấn tượng là 62% số người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất. Điều này được chứng minh bằng con số 53% số người được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý này.
Cuộc khảo sát của EuroCham cũng nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Trong khi chỉ một phần nhỏ (2%) coi Việt Nam là “lãnh đạo ngành công nghiệp”, thì có tới 29% xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cạnh tranh hàng đầu” trong ASEAN. Đa số (45%) coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất trong khu vực. Quan điểm này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng và tiềm năng phát triển hơn nữa của Việt Nam trong không gian kinh tế ASEAN hiện nay.
Nhiều triển vọng từ doanh nghiệp có quỹ đất công nghiệp lớn
Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/2/2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD, chiếm hơn 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ.
Giới phân tích đánh giá, nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ. Đi kèm với đó là nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp sẽ tăng cao trong năm 2024.
Hiện cả nước có 412 khu công nghiệp đã thành lập, 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao.
Dự báo cho đến cuối năm 2024, tài chính có thể vẫn hạn chế, khó có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế đặt ra do các vấn đề về định giá đất, chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất khu công nghiệp và tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng. Điều này tạo cơ hội đặc biệt cho các khu công nghiệp đã có sẵn quỹ đất cho thuê lớn. Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội thị trường để phát triển và mở rộng quy mô hoạt động của mình khi nguồn cung còn hạn chế.
Trong đó, một số doanh nghiệp có quỹ đất lớn là triển vọng của thị trường bất động sản. Như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Mã: BCM) có kế hoạch cho thuê diện tích lớn tại Khu công nghiệp Cây Trường với diện tích 700ha từ quý I/2024, tăng cường doanh thu mảng cho thuê khu công nghiệp.
Tổng công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) cũng đang mở rộng quỹ đất và triển khai nhiều dự án mới, dự kiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong những năm tới. IDICO có kế hoạch mở rộng tổng diện tích quỹ đất thêm 2.430 tới 2.820ha trong 5 năm tới. Trong đó, công ty đang chờ phê duyệt đầu tư cuối cùng cho KCN Tân Phước 1 (470ha, tại tỉnh Tiền Giang) và dự kiến sẽ được phê duyệt đầu tư trong đầu năm 2024. Tại cuộc họp nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cho biết KCN Vinh Quang (Hải Phòng) đã hoàn thành quy hoạch 1/2.000 và dự kiến sẽ được phê duyệt đầu tư trong năm 2025.
Ông lớn KBC - Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP cũng đã ký các Biên bản ghi nhớ đã ký kết và quỹ đất gần 150ha sẵn sàng cho thuê trong năm 2024, KBC đặt mục tiêu tổng doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất năm 2024 đạt lần lượt 9.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng, tăng gần 48% và 80% so với kết quả năm 2023. Đặc biệt, dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, được thông qua quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý và khởi công trong quý I/2024, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực tăng trưởng dài hạn cho KBC.