Bất động sản khu Đông Hà Nội sẽ trở thành “tâm điểm” khi thị trường bước vào chu kỳ mới?

Trong khi khu vực trung tâm và phía Tây Hà Nội ngày càng khan hiếm nguồn cung thì khu đông được dự báo sẽ trở thành tâm điểm nhờ vào sự hoàn thiện dần về hạ tầng đồng bộ. Đặc biệt khi thị trường bất động sản bước vào chu kỳ mới.

Bất động sản khu Đông Hà Nội sẽ trở thành “tâm điểm” khi thị trường bước vào chu kỳ mới? - Ảnh 1

Triển vọng phát triển nhờ hạ tầng

Trong nhiều năm qua, việc phát triển các dự án bất động sản tại Hà Nội phần lớn đều tập trung về phía Tây Thành phố, đặc biệt là năm 2008 - khi Hà Nội mở rộng. Quỹ đất tại phía Tây lúc đó dễ dàng hơn cho các chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng, chính bởi vậy các dự án ở đây cũng nhiều hơn các khu vực khác. Thêm vào đó, không ít người dân Hà Nội trước đây vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý, khu vực phía Đông bị cách trở, xa xôi khi họ muốn sang Long Biên, Gia Lâm là phải đi qua cầu, qua sông...

Sau một thời gian phát triển quá nóng, thị trường đã bình tĩnh lại và người ta thấy Hà Nội còn nhiều khu vực khác. Ngay cả một số chuyên gia nước ngoài cũng phải ngạc nhiên khi thấy bên kia bờ sông Hồng lại không được các nhà đầu tư bất động sản chú trọng.

Các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy khu vực phía Đông cũng có nhiều tiềm năng không kém các khu vực khác, lại rất gần với khu vực trung tâm của Hà Nội, chỉ cách chưa đầy 3 km. Đặc biệt, một vài năm lại đây, các dự án khu đô thị lớn lại đang có xu hướng nở rộ tại khu vực phía Đông Hà Nội như Hà Nội Garden City, Vincom Village, Berriver Long Bien và đặc biệt mới đây, Hà Nội đã công bố quy hoạch 2 khu đô thị lớn ở Bắc sông Hồng… càng cho thấy tiềm năng của khu vực phía Đông đã được đánh giá đúng mức.

Sắp tới, khi mà quy hoạch Thủ đô được triển khai thì không chỉ khu Long Biên mà các khu vực khác của Đông Anh cũng cần phải đánh thức tiềm năng và khai thác, vì nó quá gần với khu trung tâm Thành phố.

Do đó, có thể nói tiềm năng phát triển bất động sản của khu vực phía Đông Hà Nội là một yếu tố khách quan, chứ không hẳn là vì khu vực này được lăng xê nhằm thu hút các nhà đầu tư và khách hàng.

Thực tế hiện khu vực phía Đông đã được Thành phố cũng như khá nhiều chủ đầu tư bất động sản bỏ vốn đầu tư hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường được mở rộng và xây mới. Đặc biệt, Hà Nội liên tiếp cho xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng với mục tiêu là phát triển về kinh tế, xã hội của cả hai bên bờ sông.

Hiện nay, Khu Đông Hà Nội đang trở thành điểm sáng trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới 2024-2025 khi nguồn cung, tỷ lệ thanh khoản đều cải thiện tích cực. Theo báo cáo quý 2 của CBRE, đơn vị này dự báo, nguồn cung mới tại Hà Nội trong năm 2024 sẽ tăng gấp đôi năm ngoái song cũng sẽ có sự dịch chuyển từ các quận trung tâm sang khu Đông thành phố. Trong khi quỹ đất trung tâm và khu Tây ngày càng khan hiếm, xu hướng dịch chuyển sang phía Đông ngày càng diễn ra rõ nét.

CBRE cho rằng, kết quả khả quan của khu Đông cũng như Hà Nội có được nhờ những tín hiệu lạc quan của kinh tế vĩ mô khi GDP tăng trở lại (đạt 6,42% trong 6 tháng), FDI và xuất khẩu tích cực, nền lãi suất vẫn giữ ở mức thấp, nguồn cung bắt đầu tiến triển, đặc biệt là sự khơi thông từ Luật Đất đai 2024.

Trong quy hoạch Thủ đô tới năm 2030 và tầm nhìn 2050, phía Đông Hà Nội giữ vai trò trung tâm. Khu vực này sẽ là trung tâm kết nối của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với 3 hạt nhân là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trong đó, Hải Phòng và Quảng Ninh luôn nằm trong top những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như đóng góp GDP cho cả nước.

Đặc biệt, từ đầu năm 2024 Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia đứng đầu về thu hút FDI. Theo Cushman & Wakefield, khoảng 70 tỷ USD nguồn vốn sẵn có đang chờ rót vào các dự án trong lúc nhà đầu tư tìm kiếm thời điểm tối ưu để tiếp tục hoạt động đầu tư tại châu Á Thái Bình Dương. Trong đó, tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc của Việt Nam thu hút lượng vốn đầu tư lớn. Trong 7 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, Hải Phòng cũng đạt hơn 1.373 triệu USD còn Quảng Ninh đã cán mốc 1,55 tỷ USD chỉ trong nửa năm.

Giới chuyên gia nhận định, sự phát triển của vùng “tam giác vàng" không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế nói chung mà còn thúc đẩy phát triển bất động sản, nhất là khu vực phía Đông Hà Nội - cửa ngõ kết nối Thủ đô với các khu vực khác.

Bất động sản khu Đông chờ “bứt phá”

Thị trường bất động sản khu Đông Hà Nội đang có lợi thế to lớn nhờ tính kết nối liên vùng độc đáo, tốc độ tăng dân số mạnh, thu hút cộng đồng cư dân quốc tế. Giới chuyên gia đánh giá, khu vực này sẽ ngày càng phát triển khi pháp lý bất động sản ổn định. Thực tế, các bộ luật như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa chính thức có hiệu lực cũng đã góp phần giúp bất động sản khu Đông thu hút nhà đầu tư.

Bất động sản khu Đông Hà Nội sẽ trở thành “tâm điểm” khi thị trường bước vào chu kỳ mới? - Ảnh 2

Bất động sản khu Đông Hà Nội được kỳ vọng sẽ “bứt phá” mạnh mẽ hơn nữa (Ảnh minh họa).

Đáng chú ý, theo luật điều chỉnh, người Việt Nam ở nước ngoài còn quốc tịch sẽ được mua nhà, sở hữu nhà như người Việt Nam trong nước. Còn Luật Nhà ở và Luật đất đai mới cũng có cơ chế làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở riêng lẻ cho người nước ngoài mua nhà. Theo đó người nước ngoài sẽ được sở hữu nhà với thời hạn 50 năm và được gia hạn thêm một lần thời gian sở hữu nhà ở, tối đa là 50 năm.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ và tiềm năng gia tăng giá trị trong tương lai, khu Đông Hà Nội đang là điểm đến mới của dòng tiền đầu tư từ Việt kiều. Bởi nơi đây đang có những mô hình, sản phẩm bất động sản hiện đại bậc nhất miền Bắc, thu hút cư dân quốc tế - chuyên gia nước ngoài an cư.

Khu Đông Hà Nội giàu tiềm năng phát triển bất động sản nhưng vẫn thiếu hụt các dự án đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng quốc tế. Hiện, quỹ căn hoàn thiện và bàn giao trong 1-2 năm trở lại đây ở Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 15.000 - 20.000 căn, chưa thực sự dồi dào nếu so với giai đoạn 2019-2020. Theo Savills, số lượng căn bán ra trong 6 tháng đạt hơn 5.085 căn, nhưng hạng B chiếm đến 96%, căn hộ hạng A vẫn nhỏ giọt.

Với nhà đầu tư, vấn đề được quan tâm hàng đầu là đồ thị giá bất động sản sẽ theo hướng đi lên hay đi xuống trong bối cảnh mới. Theo các chuyên gia, với phân khúc đất nền và thấp tầng, giá đã tăng trước thời điểm 1/8 và xu hướng này sẽ tiếp tục, bởi theo luật mới, phân lô, bán nền đã bị cấm tại 105 thành phố và thị xã trên toàn quốc.

Giá tăng sẽ là hệ quả tất yếu khi cách tính thuế, phương pháp xác định giá đất mới cùng các khoản phát sinh đều khiến chi phí đầu vào tăng thêm, buộc chủ đầu tư phải tính phương án tăng giá bán để bù đắp. Vì thế, sở hữu các giỏ hàng sẵn có, được hình thành từ giai đoạn trước sẽ mang lại cho nhà đầu tư lợi thế lớn trước khi thị trường thiết lập mặt bằng giá mới.

Bên cạnh tác động từ chính sách, thị trường bất động sản còn nhận cú hích tăng trưởng từ quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, cả năm nay, 657.000 tỷ đồng đã được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương, chủ yếu là dành cho hạ tầng giao thông. Hàng loạt công trình trọng điểm khởi công, được đẩy nhanh tiến độ xây dựng đã đóng vai trò “mở đường” cho thị trường bất động sản tạo “sóng” ở các khu vực được đầu tư, trong đó có phía Đông Hà Nội.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống