Bất động sản làm căng, ngân hàng nói cứng, Thủ tướng phải vào cuộc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo sửa đổi Thông tư số 06 sau những tranh cãi giữa DN BĐS và Ngân hàng Nhà nước; Chính phủ lại thúc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi vay, tăng tín dụng, đợt biến động tỷ giá mạnh... Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.
Thông tư 06 mới ban hành, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sửa đổi
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo sửa đổi Thông tư số 06. Chỉ đạo nóng của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh trước đó một ngày HoREA thông báo “tin mừng” về việc chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và cả dự án đủ điều kiện kinh doanh.
Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, NHNN vào cuối tháng 7/2023, HoREA cho rằng: khoản 9, Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã "bít đường" vay tín dụng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị ngay tại thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung vốn tín dụng cao nhất để triển khai thực hiện xây dựng các công trình của dự án.
>> Xem thêm: Thông tư 06 mới ban hành, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sửa đổi
Ngân hàng Nhà nước: Thông tư 06 không cấm cho vay thực hiện dự án bất động sản
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định: Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng không có bất cứ quy định cấm tổ chức tín dụng cho vay để thực hiện dự án bất động sản.
"Tại Thông tư 06 không cấm cho vay thực hiện dự án bất động sản, NHNN chỉ quy định tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật; trong đó, có Luật Kinh doanh bất động sản…", Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định.
>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước phản đáp: Thông tư 06 không cấm cho vay thực hiện dự án bất động sản
Họp với Phó Thủ tướng, doanh nghiệp BĐS nói 'Thông tư 06 không siết điều kiện vay vốn'
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 của NHNN.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, đại diện Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng khẳng định Thông tư 06/2023/TT-NHNN "không siết điều kiện vay vốn"; bày tỏ đồng tình với NHNN cần triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, tránh tình trạng sở hữu chéo, cho vay đối với doanh nghiệp nội bộ, doanh nghiệp sân sau.
>> Xem thêm: Họp với Phó Thủ tướng, doanh nghiệp BĐS nói 'Thông tư 06 không siết điều kiện vay vốn'
Chính phủ thúc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi vay, tăng tín dụng
Đó là nội dung đáng chú ý trong Thông báo số 332/TB-VPCP ngày 17/8/2023 do Văn phòng Chính phủ vừa ban hành về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.
Thường trực Chính phủ lưu ý Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, phát huy tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp, người dân để khẩn trương có các giải pháp kịp thời, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số..., phấn đấu tiếp tục hạ lãi suất cho vay.
>> Xem thêm: Chính phủ lại thúc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi vay, tăng tín dụng
Chính phủ ra yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước có lệnh giảm thêm lãi suất cho vay 1,5 - 2%
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Gần đây, hàng loạt ngân hàng đã liên tiếp tung ra các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay đối với cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
>> Xem thêm: Chính phủ ra yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước có lệnh giảm thêm lãi suất cho vay 1,5 - 2%
Giá USD mất mốc 24.000 đồng/USD
Sau nhiều ngày tăng 'nóng', tỷ giá trung tâm ngày 18/8 quay đầu hạ nhiệt. Tuy nhiên, tính chung trong tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng tới 109 đồng.
Tỷ giá USD/VND ở các ngân hàng thương mại cũng giảm mạnh, mất mốc 24.000 đồng. Giá bán USD tại thị trường tự do hiện đã vượt lên giá bán USD tại các ngân hàng thương mại.
>> Xem thêm: Giá USD giảm gấp, mất mốc 24.000 đồng/USD
Chi phí trả lãi của các ngân hàng tăng vọt
Hệ lụy của thời kỳ chạy đua tăng lãi suất huy động trong khi cho vay khó khăn được phản ánh rõ nét trong báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng. Chi phí trả lãi tiền gửi tăng cao đã tác động tiêu cực lên lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong nửa đầu năm.
Chi phí trả lãi trong quý II đều tăng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Một số nhà băng chịu chi phí lãi cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp gần ba lần cùng kỳ.
>> Xem thêm: Ngân hàng ngấm đòn tăng lãi suất huy động: Chi phí tăng cao, đầu ra bế tắc
Làn sóng tuyển dụng ở các ngân hàng sôi động
Làn sóng tuyển dụng tại các ngân hàng ở Việt Nam đang trở nên sôi động trong những tháng qua, với nhiều vị trí cùng những mức lương khác nhau. Không chỉ tuyển dụng thêm nhân sự, nhiều ngân hàng còn ồ ạt thay đổi nhân sự cấp cao ở nhiều vị trí.
Làn sóng tuyển dụng tại các ngân hàng báo hiệu thị trường nhân sự có diễn mới ngay sau đợt sa thải đồng loại của nhiều “ông lớn” trong ngành vào hồi đầu năm nay. Nguyên nhân của đợt cắt giảm nhân sự này là do tình hình kinh doanh gặp khó khăn, các ngân hàng tái cơ cấu hay sự chững lại của thị trường bảo hiểm. Bên cạnh đó, mức lương của ngành ngân hàng vẫn ở mức khá cao, buộc nhiều ngân hàng phải cắt giảm lao động để giảm chi phí và tối ưu hóa hoạt động.
>> Xem thêm: Làn sóng tuyển dụng mới, các ngân hàng Việt hút thêm nghìn nhân sự
Dòng vốn rẻ đang trở lại với các ngân hàng
Sau khi ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong quý I/2023, tỷ lệ CASA của hầu hết ngân hàng đã có tín hiệu tăng trở lại trong quý II. Dữ liệu từ Wigroup cho thấy, tỷ lệ CASA đã giảm từ mức 20,34% vào cuối năm ngoái về 17,56% vào cuối quý I năm nay và phục hồi lên 18,09% ở cuối quý II.
Nhưng sự phục hồi của tỷ lệ CASA vào quý II vẫn chưa đủ bù đắp diễn biến tiêu cực trong quý I. Vì vậy, tính chung từ đầu năm đến ngày 30/6, tỷ lệ CASA tại hầu hết ngân hàng đều thấp hơn so với hồi đầu năm.
>> Xem thêm: Nguồn tiền triệu tỷ lãi suất gần 0%: Món lợi casa tăng mạnh trở lại
Bán bảo hiểm không còn 'gà đẻ trứng vàng' cho ngân hàng
Bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của các nhà băng khi đem về khoản lãi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, doanh thu từ hoạt động này sụt giảm mạnh, có ngân hàng giảm tới 80-90%.
Nhiều chuyên gia cho rằng không nên để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm như hiện nay mà cần tách bạch nghiệp vụ giữa hai đơn vị. Việc bán bảo hiểm thì nên để cho hãng bảo hiểm có nghiệp vụ bán, cũng như ngân hàng thì nên chú trọng các nghiệp vụ tài chính ngân hàng.
>> Xem thêm: Bancassurance khủng hoảng, bán bảo hiểm không còn 'gà đẻ trứng vàng' cho ngân hàng
Ngân hàng rao bán tài sản thế chấp của hoa hậu doanh nhân thành đạt
Agribank tiếp tục rao bán căn nhà có diện tích hơn 285m2 của một hoa hậu doanh nhân thành đạt. Mức giá khởi điểm lần này giảm 16 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên, xuống 44,1 tỷ đồng.
Một tài sản khác của hoa hậu này từng bị Agribank Sài Gòn rao bán là lô đất có diện tích lên đến 47.407,3m2, gồm nhà kho, nhà văn phòng, nhà ở công nhân, tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Mức giá khởi điểm cho tài sản này lần đấu giá đầu tiên là 85 tỷ đồng, sau đó đã giảm 4,25 tỷ đồng ở lần đấu giá thứ 2.