Bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc: Nhà đầu tư 'cắt lỗ' vì vắng khách

Câu chuyện vé máy bay tới Phú Quốc tăng quá cao, chính sách thị thực bất hợp lý khiến lượng khách du lịch từ bỏ “đảo ngọc” đang “nóng” lên. Nhưng đó chỉ là những dấu hiệu ban đầu. Biệt thự, villa bỏ hoang, condotel vắng khách còn do nguyên nhân sâu xa là Phú Quốc đang dần đánh mất đi nét “độc bản” của riêng mình.

“Mắc cạn” ở Phú Quốc

Khảo sát thực tế mới đây của VietnamFinance cho thấy nguồn cầu sản phẩm bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc giảm mạnh, trong khi nguồn cung từ nhà đầu tư thứ cấp khá lớn. Tại nhiều văn phòng nhà đất ở “đảo ngọc”, một số môi giới thừa nhận hàng ký gửi gồm villa, condotel, đất nền nhiều, lượng tiêu thụ thấp, gần như không chốt nổi giao dịch.

Anh Quốc Hùng, ngụ tại quận 1 (TP. HCM) cho biết anh đầu tư một số căn condotel ở Phú Quốc. Thời gian “ấm” của thị trường rất ngắn, chỉ khoảng đầu năm 2022 là có khách lưu trú. Sau đó các căn hộ condotel của anh hầu như không cho thuê được dù có giảm giá. “Tôi có rao bán lỗ nhưng khách hàng không quan tâm, trong khi đó phải đang chịu lãi vay", anh Hùng cho biết.

“6 tháng đầu năm 2022, một số dự án condotel và villa nghỉ dưỡng ở Phú Quốc bán được hàng do một số chủ đầu tư đã hứa trả lợi nhuận hàng năm cao. Nhưng 3 tháng đầu năm nay, một số chủ đầu tư đã không chi trả được như lời hứa ban đầu, khách du lịch sụt giảm mạnh, tín dụng khó khăn, nhà đầu tư thứ cấp bán tháo, cắt lỗ nhiều”, Hải Yến, một môi giới nhà đất ở khu An Thới thừa nhận.

Bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc: Nhà đầu tư 'cắt lỗ' vì vắng khách - Ảnh 1Năm 2023, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Phú Quốc dự báo có nguồn cung và sức cầu sụt giảm mạnh (ảnh minh họa)

Chị Vĩnh Hiền, người đang sở hữu 2 căn villa được mua theo hình thức chia doanh thu của một chủ đầu tư có uy tín cho hay, 2 tháng nay hầu như vắng khách thuê, trong khi chi phí duy tu, bảo dưỡng, dịch vụ dọn dẹp chị vẫn phải trả đều mỗi tháng 10 triệu đồng/căn.

“Khi tôi mua cách đây 4 năm, villa có giá 15 tỷ đồng/căn, giờ bán lỗ 1 tỷ đồng/căn cũng không thoát được hàng. Loại hình này chỉ dành cho những ai thừa tiền, mua làm ngôi nhà thứ hai nghỉ ngơi, nếu là đầu tư thu lãi thì hoàn toàn thua do lượng khách du lịch bấp bênh, phụ thuộc vào nhiều chính sách vĩ mô khác chứ mình không kiểm soát được”, chị Hiền thừa nhận.     

Báo cáo mới đây của DKRA Research cũng cho thấy, thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm 2023 cả nước nói chung và Phú Quốc nói riêng được dự báo có nguồn cung và sức cầu sụt giảm mạnh. Xu hướng chia sẻ doanh thu dần thay thế hình thức chia sẻ lợi nhuận bởi khách du lịch tới Phú Quốc sụt giảm.

Giật mình bởi quy hoạch “gậy ông đập lưng ông”

Là một người có gần 10 năm làm nghề môi giới BĐS, anh Nguyễn Tuấn Anh (38 tuổi, quận Đống Đa - Hà Nội) vẫn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên đến Phú Quốc vào năm 2016, bán hàng cho một dự án biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực bãi Dài. Thời điểm ấy, khách Hà Nội cứ đặt chân tới sân bay Phú Quốc là đã mê mẩn bởi vẻ hoang sơ, thiên nhiên tuyệt vời với những bãi biển và khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp.

“Sau đó, mỗi lần tôi trở lại đảo lại là một lần buồn vì hết dự án này đến dự án khác liên tiếp khởi công. Công trường xây dựng ùn ùn mọc lên. Rừng nguyên sinh biến mất”, anh Tuấn Anh nhớ lại.

Theo bước chân của Tuấn Anh, VietnamFinance đã “mục sở thị” qua các bãi biển lớn và đẹp nhất của Phú Quốc như bãi Khem, bãi Dài, bãi Trường, bãi Gành Dầu… và ghi nhận trước kia hoang sơ, rộng lớn thì nay đều được phân thành các lô hàng chục, hàng trăm ha chia cho các nhà đầu tư.

Các sản phẩm địa ốc đều là BĐS nghỉ dưỡng với resort, khách sạn, biệt thự biển, shophouse được xây chiếm trọn bờ biển. Dọc các bãi biển, rừng biến mất, thay thế là “rừng bê tông” bởi nhà cửa như những bức tường chắn ngang đường bờ biển.

Chỉ tính riêng dọc 20 km thuộc bãi Trường mà có gần 100 dự án BĐS nằm san sát nhau. Tại bãi Dài và bãi Gành Dầu, đang có khoảng trên dưới 10 dự án đã và đang xây dựng. Còn theo Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc, toàn bộ hòn đảo đang có gần 300 dự án, phần lớn các dự án là BĐS nghỉ dưỡng. Điều đáng nói là tỷ lệ cây xanh giữ lại rất ít ỏi.

Ông Patrik Kane, một  kiến trúc sư người Hà Lan, từng là du khách ở Phú Quốc chia sẻ: “BĐS ở Phú Quốc thiếu tính bản địa, dân tộc và toàn bê tông hóa. Nếu tiếp tục như vậy thì du khách nước ngoài chỉ đến một lần thôi”.

Còn theo bà Nguyễn Hải Trần, một nhà đầu tư Việt kiều Úc, thì Phú Quốc đã không cụ thể hóa cái “độc lạ” của mình, không có những mô hình, định hướng chiến lược, quy hoạch tốt để thiết lập các dự án nghỉ dưỡng kiểu mẫu, đảm bảo giữ lại tối đa nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng. “5 năm trước đây chúng ta chưa cảm nhận hết, giờ các dự án đã thành hình hài, bỏ hoang, khách du lịch quay lưng thì mới thấm thía”, bà Hải Trần nêu.

“Giá vé máy bay tới Phú Quốc đắt hơn so với đi Phuket, Bali, Singapore khoảng 20% không phải là vấn đề,cũng chưa hẳn là vì thị thực chỉ 1 tháng mà là do Phú Quốc đã giảm nhiều sự độc, lạ và thú vị, du khách không muốn quay lại lần thứ 2, thứ 3. Phú Quốc thua nhiều địa điểm du lịch khác ở các nước trong khu vực ở nét văn hóa chưa giàu tính bản địa, các khu nghỉ thiếu khoảng xanh, chưa kể hạ tầng dịch vụ chưa tốt, ăn uống, vui chơi khá đắt đỏ”, bà Jeni Baker một du khách từ Đức, một nhà nghiên cứu du lịch nhận xét .  

Cần phải “sống”

Bà Jeni Baker cho rằng, mong ước doanh thu cao, lãi suất ổn định hàng năm từ sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng ở Phú Quốc hoàn toàn không khó, nếu chúng ta làm “sống” được các dự án nghỉ dưỡng, du lịch. Mà sức sống đó không ai khác chính là du khách.

Tiếng chuông cảnh báo về việc sụt giảm lượng khách tới "đảo ngọc" trong 3 tháng vừa qua cũng như lượng đặt phòng dịp 30/4 sắp tới chỉ bằng 20% so với năm ngoái từ Hiệp hội đầu tư du lịch Phú Quốc cho thấy, đang cần nhiều hơn các chủ đầu tư cùng chung tầm nhìn với các nhà quy hoạch và chuyên gia, kiến trúc sư về mong muốn xây dựng một hòn đảo du lịch hội tụ đầy đủ những giá trị của một thành phố đáng sống.

Mẫu số chung để trở thành nơi đáng sống là sự đồng bộ trong quy hoạch đô thị, các dự án địa ốc với hạ tầng giao thông, tiện ích vui chơi, giải trí, giữ tối đa rừng nguyên sinh, các mảng xanh và bãi biển nguyên sơ. Phú Quốc cần nhanh chóng phát triển các sản phẩm BĐS giàu bản sắc và tuân thủ quy hoạch, tuân thủ việc giám sát, kiểm tra, xử lý hậu quy hoạch.

Đây là một thách thức về năng lực quản lý đối với chính quyền địa phương nhưng cũng là dư địa cho các chủ dự án còn mong muốn đầu tư tại "đảo ngọc". Chỉ có cách dừng lại sự tham lam, giảm bê tông hóa bề mặt nhằm tăng diện tích thương mại, không lấp kênh rạch, sông hồ, giữ tối đa không gian nước, rừng nguyên sinh, cây xanh thì thị trường du lịch nói chung, BĐS nghỉ dưỡng Phú Quốc nói riêng mới có cơ hội được “sống”.

Ninh Dương

Theo VietnamFinance