Bất động sản sân golf nở rộ

Hàng loạt dự án sân golf “mọc lên” nhờ dòng vốn của cả chủ đầu tư trong nước và nước ngoài tạo cú hích mạnh mẽ cho phân khúc bất động sản tích hợp sân golf “trỗi dậy” và trở thành “tâm điểm” trên thị trường.

 

Bất động sản sân golf nở rộ - Ảnh 1

10 năm hoàng kim của “làng” Golf Việt

Golf đã được du nhập vào Việt Nam rất sớm, ngay từ thời Bảo Đại (vị hoàng đế cuối cùng nhà Nguyễn). Khi đó, Golf Dalat Palace tọa lạc tại Đồi Cù là sân golf đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù vậy, phải đến cuối thế kỷ 20, nhờ mở cửa hội nhập với thế giới, trào lưu “chơi golf” mới dần dần hình thành tại nước ta.

Trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của golf tại Việt Nam. Chỉ trong vỏn vẹn 10 năm, hàng loạt dự án sân golf mọc lên như “nấm sau mưa”, số lượng người chơi golf cũng gia tăng đột biến kéo theo nhu cầu du lịch chơi golf và các hoạt động sản xuất, phân phối các dòng sản phẩm golf ra đời và phát triển.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Golf Việt Nam, trên cả nước hiện có gần 80 sân golf đang hoạt động. Tuy nhiên trong số đó, chỉ có 32 sân đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế và chỉ 50% có thể hình thành đô thị golf. Dự kiến số lượng sân golf trên cả nước sẽ đạt 100 sân vào cuối năm nay và tiến tới mốc 200 sân vào năm 2025.

Bất động sản sân golf nở rộ - Ảnh 2Số lượng dự án sân golf tại Việt Nam đang tăng nhanh những năm qua

Cũng theo Hiệp hội Golf Việt Nam,  Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương là các địa phương phát triển golf mạnh nhất. Các doanh nghiệp tham gia phát triển golf hầu hết là những “đại gia” có máu mặt nhất trong “làng” bất động sản trong nước như: Vingroup, BRG Group, KN Investment Group, Him Lam Group, FLC Group, Sun Group… Chưa kể, các doanh nghiệp ngoại từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Canada… cũng đang “xếp hàng” chờ được đầu tư làm sân golf tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội du lịch Golf Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2020, phân khúc du lịch golf của Việt Nam đã đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế và 1,5 triệu khách nội địa, mang về doanh thu lên đến 4.500 tỷ đồng. Vài năm qua, các giải đấu golf, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, được tổ chức với tần suất dày đặc, giá trị tiền thưởng cũng lớn hơn. Đáng chú ý, trong SEA Games 31 mà Việt Nam là nước chủ nhà, golf là môn thể thao nằm nội dung thi đấu chính thức. Trong hai năm 2019 và 2021, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới” và “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” các năm 2017 và 2021 của Giải thưởng Golf thế giới. Điều này chứng minh cho sự phát triển nhanh đáng kinh ngạc của golf trên dải đất “hình chữ S”.

Sức hút khó cưỡng của bất động sản sân golf

Phân khúc bất động sản sân golf được hưởng lợi từ sự nở rộ của golf, những dự án bất động sản tích hợp sân golf và dịch vụ ra đời và nhanh chóng trở thành một xu hướng đầu tư đầy hấp dẫn.

Giới chuyên gia đầu tư bất động sản nhận định, ngay cả trong giai đoạn thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch Covid-19, loại hình bất động sản sân golf vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư. Theo đó, 3 nhóm khách hàng có nhu cầu sở hữu và đầu tư lớn nhất đối với loại hình bất động sản này là: nhà đầu tư ưa thích loại hình bất động sản đặc biệt số lượng có hạn; giới thượng lưu đam mê chơi golf; nhà đầu tư chuộng bất động sản sở hữu không gian xanh, rộng rãi, thoáng đãng, thân thiện với sức khỏe thể chất và tinh thần. Đáng chú ý, theo dữ liệu, giới thượng lưu tại Việt Nam sẵn lòng chi 10 – 15% tổng tài sản của mình để sở hữu bất động sản sân golf.

Bất động sản sân golf nở rộ - Ảnh 3Giới thượng lưu tại Việt Nam sẵn lòng chi 10 – 15% tổng tài sản của mình để sở hữu bất động sản sân golf

Giới chuyên gia cũng đưa ra những nguyên nhân cấu thành nên sức hút khó cưỡng của loại hình bất động sản sân golf. Thứ nhất, những dự án sân golf thường được hình thành trên những khu đất đẹp, đắc địa. Thứ hai, số lượng sản phẩm bất động sản sân golf trên cả nước không nhiều như các phân khúc hạng sang khác. Thứ ba, khả năng tạo dòng tiền hấp dẫn thông qua việc cho thuê dưới hình thức “weekend home” (nhà nghỉ dưỡng cuối tuần) phục vụ du lịch – nghỉ dưỡng của nhóm khách hàng thượng lưu. Thứ tư, tiềm năng tăng trưởng giá trị lớn vì nhu cầu ngày càng gia tăng trong khi nguồn cung khan hiếm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiệu quả đầu tư với loại hình bất động sản sân golf, đặc biệt là sản phẩm biệt thự sân golf, cực kỳ hấp dẫn bởi là dòng sản phẩm hạng sang hướng tới giới thượng lưu, giới tinh hoa.

“Việt Nam rồi sẽ trở thành cường quốc du lịch, tôi tin rằng biệt thự sân golf sẽ là phân khúc mà các nhà đầu tư hướng tới và tôi tin rằng đầu tư các sản phẩm đó tạo ra hiệu quả lâu dài, bền vững, bởi giá trị của nó sẽ ngày càng tăng. Ở các nước phát triển, bất động sản đẳng cấp như vậy có giá trị lên tới hàng chục triệu USD, còn ở Việt Nam mới chỉ vài triệu USD thôi. Điều đó có nghĩa là suất đầu tư tại Việt Nam đang ở mức hấp dẫn. Có thể nói giá trị và khả năng khai thác của biệt thự sân golf sẽ rất tốt trong tương lai. Người đầu tư sản phẩm này là đang đầu tư cho tương lai chứ không phải như mua đất nền, chỉ lướt sóng kiếm lời ngắn hạn”, ông Đính nói.

Trên thế giới, bất động sản sân golf được xem là “kim cương” do mặt bằng giá bán trung bình của sản phẩm này luôn cao hơn những dòng sản phẩm khác trong phân khúc bất động sản cao cấp tại nhiều quốc gia.

Đơn cử tại Mỹ, một dự án bất động sản sân golf có giá bán cao hơn các sản phẩm khác khoảng 10%. Trong khi đó, giá bán một căn biệt thự sân golf tại Anh cao lên đến 2 lần so với một căn biệt thự thông thường cùng khu vực. Các căn biệt thự, căn hộ cạnh sân golf trên thế giới thường có giá lên tới hàng triệu USD, thậm chí là hàng chục triệu USD.

Bất động sản sân golf nở rộ - Ảnh 4

Một dự án biệt thự sân golf tại Tây Ban Nha

Còn tại Việt Nam, theo khảo sát của DKRS, những dự án nghỉ dưỡng sân golf có giá bán cao hơn từ 19% so với các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp khác, thậm chí những dự án có vị trí gần các thành phố lớn cao hơn từ 20 – 35% giá bán.

Đạt Trần

Theo Kinh doanh và phát triển