Bất ngờ với lợi nhuận doanh nghiệp ngành dược quý 1/2022
Một số doanh nghiệp ngành dược phẩm vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với kết quả kinh doanh trái chiều.
Báo cáo tài chính quý 1/2022 của một số doanh nghiệp ngành dược phẩm vừa được công bố cho thấy lợi nhuận diễn biến trái chiều.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 1/2022, CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) đạt hơn 314 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng giảm nhẹ từ 172,5 tỷ đồng xuống còn 171,6 tỷ đồng nên lãi gộp đạt 143 tỷ đồng, tương ứng tăng 15% so với quý 1/2021.
Trong kỳ, các chi phí của doanh nghiệp biến động không nhiều như chi phí bán hàng tăng 8% ghi nhận hơn 53 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận gần 20 tỷ đồng, tăng 11%;…Sau khi trừ các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế tại IMP đạt 52,6 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ.
Tại CTCP Dược phẩm Agimexpharm (mã: AGP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 161,6 tỷ đồng, tăng 26%. Trong kỳ, lãi gộp thu được tăng 30%, đạt hơn 58 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí như chi phí bán hàng hơn 28 tỷ đồng, tăng 23%; chi phí tài chính 6 tỷ đồng, tăng 25% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 33% lên mức gần 9 tỷ đồng thì AGP chỉ đạt 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương tăng 43% so với cùng kỳ 2021.
Một doanh nghiệp dược phẩm khác báo lãi tăng nhẹ so với cùng kỳ 2021 là CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (mã: PMC).
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 117 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ nên lợi nhuận gộp thu về tăng 11%, đạt hơn 46 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 28% đạt gần 695 triệu đồng. Tuy nhiên các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng nên PMC báo lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 7%, đạt hơn 18,4 tỷ đồng.
Ở diễn biến khác, CTCP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco (UpCOM: PBC) vừa công bố BCTC quý 1/2022 với kết quả ảm đạm.
Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 197 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ chủ yếu do doanh thu bán thành phẩm giảm 10% xuống còn gần 129 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán chiếm tới 80% doanh thu nên PBC chỉ thu về 40 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 13%. Tương tự các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng không biến động nhiều.
Kết quả PBC báo lãi sau thuế vỏn vẹn 4 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ 2021. Lãi cơ bản trên cổ phiếu giảm nhẹ từ 159 đồng xuống 37 đồng.
Tương tự như PBC, kết thúc quý 1/2022, CTCP Dược phẩm Hà Tây (mã: DHT) ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 7%, đạt gần 408 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng chiếm tới 91% doanh thu thuần nên lãi gộp trong kỳ giảm nhẹ, xuống còn 38,5 tỷ đồng.
Trừ các chi phí phát sinh khác như chi phí bán hàng, chi phí tài chính,… quý 1 Dược Hà Tây báo lãi sau thuế giảm 10%, ghi nhận gần 20 tỷ đồng.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng năm 2022 của ngành Dược, các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng khả năng kiểm soát dịch bệnh vẫn là yếu tố hàng đầu.
Các chuyên gia và doanh nghiệp đều đánh giá triển vọng tăng trưởng của ngành Dược trong năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn so với năm 2021. Nếu như kết quả khảo sát trong năm 2021 được đánh giá là khó có những đột phá, phân hóa giữa các doanh nghiệp, thì kết quả khảo sát năm 2022 đã nổi bật, tích cực hơn so với năm 2021 với 62,5% chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút, 12,5% lựa chọn tăng trưởng mạnh, tốt hơn nhiều và chỉ có 6,25% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút so với năm 2021.