Bất thường dòng tiền của loạt đại gia bất động sản
(SHTT) - 9 tháng đầu năm, lượng hàng tồn kho, các khoản phải thu, nợ phải trả ngắn hạn tăng mạnh tại DRH, NLG,... Trong khi đó tiền và các khoản tương đương tiền lại sụt giảm mạnh dù vẫn báo lãi.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, một số doanh nghiệp bất động sản xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường khi lượng hàng tồn kho, nợ phải trả, các khoản phải thu tăng mạnh. Trong khi đó, khoản tiền và tương đương tiền của một số doanh nghiệp bất động sản lại giảm hoặc chiếm phần rất nhỏ mặc dù vẫn báo lãi.
Tại Công ty cổ phần DRH Holdings (mã chứng khoán: DRH) ghi nhận biến động dòng tiền kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, tính đến 30/9/2020, tiền và các khoản tương đương tiền của DRH chỉ vỏn vẹn hơn 17 tỷ đồng, giảm 53% so với đầu năm. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên gần 735 tỷ đồng, hàng tồn kho lên tới 819 tỷ đồng, nợ ngắn hạn phải trả cũng tăng lên gần 1.547 tỷ đồng. Điều này cũng góp phần đẩy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của DHR lên mức âm hơn 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt gần 39 tỷ đồng.
Hay tại CTCP đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) cũng có nhiều biến động lớn trong dòng tiền hoạt động kinh doanh.
Ghi nhận báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn của công ty này tăng 12% so với đầu năm, lên hơn 1.734 tỷ đồng thì hàng tồn kho thậm chí còn tăng 26%, lên mức hơn 5.398 tỷ đồng. Cùng với hàng tồn kho và khoản phải thu tăng lên, nợ phải trả của Công ty cũng tăng 19%, đạt gần 5.579 tỷ đồng, trong đó khoản phải trả ngắn hạn tăng lên gần 3.383 tỷ đồng.
Đồng thời, lượng hàng tồn kho quá lớn cũng phần nào gây ảnh hưởng khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng vừa qua của NLG tăng mạnh từ mức âm 437 tỷ đồng lên tới âm gần 940 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền của NLG giảm mạnh 48%, xuống còn 981 tỷ đồng. Mặc dù đây vẫn là một con số tương đối lớn, tuy nhiên, trong bối cảnh các khoản nợ ngắn hạn phải trả cũng tăng lên gần 3.383 tỷ đồng, áp lực gia tăng về khả năng thanh toán trong ngắn hạn sẽ là bài toán khó mà NLG sẽ phải giải trong năm nay.
Tương tự, CTCP Đầu tư – Kinh doanh nhà (Mã chứng khoán: ITC) cũng nằm trong số doanh nghiệp có lượng tiền mặt hiện hữu tương đối nhỏ so với quy mô tài sản và các khoản nợ phải trả. Tính đến ngày 30/9/2020, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của ITC ghi nhận được vỏn vẹn gần 19 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả ngắn hạn lên tới hơn 2.012 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng tăng gần 2.277 tỷ đồng.
Trong số các đại gia bất động sản ghi nhận biến động dòng tiền kinh doanh phải kể đến CTCP đầu tư Hải Phát (Mã chứng khoán: HPX) khi ghi nhận tới thời điểm cuối 9/2020, tiền và các khoản tương đương tiền của HPX giảm 37% so với đầu năm, xuống còn hơn 253 tỷ đồng.
Trong khi dòng tiền suy giảm mạnh thì khoản phải thu ngắn hạn trong 9 tháng đầu năm tại HPX tăng vọt 55%, lên mức 1.752 tỷ đồng. Hàng tồn kho và nợ phải trả ngắn hạn tuy giảm nhẹ so với đầu năm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Cụ thể, lượng hàng tồn kho của HPX 9 tháng đầu năm 2020 ở mức 1.849 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản ngắn hạn; khoản nợ phải trả cũng ở mức khá cao 1.950 tỷ đồng. Điều này cũng góp phần đẩy lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của HPX âm hơn 328 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 đạt hơn 495 tỷ đồng.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh, còn nhiều chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp địa ốc, tuy nhiên, theo phân tích của Giám đốc đầu tư cổ phiếu, bất động sản và các tài sản khác tại một công ty quản lý quỹ thì cạn tiền mặt là chỉ báo đầu tiên cho thấy sự bất ổn khi nó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngắn hạn.
Đặc thù hàng tồn kho của mỗi đơn vị khác nhau dẫn tới tính thanh khoản khác nhau. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, trong tình hình thị trường nói chung không thực sự ủng hộ, nhiều doanh nghiệp bất động sản và các thành viên thị trường khác có tâm lý phòng thủ thì việc cạn dòng tiền là nguy cơ hiển hiện ngay trước mắt.