Bất thường dự án King Bay
Dự án Khu đô thị King Bay 125ha do CTCP Free Land làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư quảng bá lên đến 4.800 tỷ đồng, được triển khai mở bán rầm rộ tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, nhiều người dân tố cáo chủ đầu tư chưa thỏa thuận đền bù đã ngang nhiên chiếm đất, lập dự án.
Dự án còn tranh chấp do chưa bồi thường
Ông Phạm Quốc Dũng (thường trú tại 95 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM), cho biết Công ty Free Land đã chiếm giữ phần đất do ông sử dụng hợp pháp mà chưa bồi thường với khoảng 9.000m2.
Theo đó, ông Dũng là người có quyền sử dụng đất tại thửa 01, 06, 14, 20, 30, 31, 32 trên tờ bản đồ số 06 ở xã Long Tân theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) số U531117, vào sổ cấp GCN số 20759QSDĐ/2364QĐCTUBH và GCN số X450610, vào sổ cấp GCN số 03552QSDĐ/3943/QĐUBH do UBND huyện Nhơn Trạch cấp vào ngày 29-4-2002 và 11-11-2003.
Do bị bảo vệ dự án cản trở, chủ đất phải thuê đò đưa phóng viên tiếp cận khu đất. Ghi nhận cho thấy, khu đất thuộc quyền sử dụng của ông Dũng đã bị chủ đầu tư cho bơm cát san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng, khu văn phòng điều hành dự án để xây dựng dự án biệt thự vườn, nhà liên kế, liên kế vườn.
Tương tự, bà Lê Kim Thu (quận 10, TPHCM), đại diện ủy quyền cho chủ đất là bà Đỗ Thị My, cho biết có 1.000m2 đất trồng cây lâu năm cũng bị dính dự án King Bay. Năm 2018, chính quyền ra quyết định thu hồi đất, bồi thường với giá 306.000 đồng/m2.
Tại buổi gặp gỡ vào tháng 6-2018 với đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phòng Tài nguyên - Môi trường, cán bộ địa chính xã và chủ đầu tư, bà Kim Thu yêu cầu được hoán đổi đất hoặc đền bù với giá 2 triệu đồng/m2. Đang chờ kết quả, mới đây chính quyền huyện Nhơn Trạch đã ra quyết định cưỡng chế khu đất của bà giao cho chủ đầu tư.
“Đây là dự án kinh doanh thương mại, Nhà nước, doanh nghiệp phải cân bằng lợi ích, đền bù thỏa đáng cho người dân. Giá trị đền bù cho người dân chỉ vài trăm ngàn đồng/m2, trong khi chủ đầu tư phân lô bán nền hàng chục triệu đồng/m2, hưởng lợi gấp trăm, gấp ngàn lần” - bà Lê Thị Kim Thu bức xúc.
Ông Phạm Thà, người dân bị thu hồi đất, cho biết trong khu đất khoảng 25ha còn khoảng 23 chủ đất chưa đồng ý giao đất vì giá bồi thường quá thấp, nhưng chủ đầu tư đã đầu tư hạ tầng, bán sản phẩm ra thị trường. Theo ông Thà, điều khiến người dân bất bình là chính quyền, Công ty Free Land chưa thỏa thuận với chủ đất đã san lấp mặt bằng, làm hạ tầng và phân lô bán nền thu tiền 80% giá trị hợp đồng của người mua.
Nhập nhèm lợi ích
Theo UBND huyện Nhơn Trạch, trước đây khi Tổng công ty Đầu tư Phát triển quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, và CTCP Khoáng sản Nari Hamico thành lập liên danh thực hiện dự án Vành đai 3 (Tân Vạn - Nhơn Trạch), để hài hòa lợi ích cho chủ đầu tư, tỉnh Đồng Nai đã cho doanh nghiệp thực hiện dự án Khu dân cư Long Tân 125ha, với mục đích “khai thác quỹ đất tạo nguồn vốn chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ dự án”.
Có được chủ trương đầu tư và thỏa thuận địa điểm, nhưng do năng lực tài chính yếu kém, năm 2015 Nari Hamico rút khỏi liên danh. Còn Tổng công ty Cửu Long giới thiệu CTCP Ngũ Long Tân (nay là CTCP Free Land) làm chủ đầu tư Khu dân cư Long Tân 125ha (King Bay).
Sau quá trình thay tên đổi chủ, dự án đến nay mới được cấp giấy phép quy hoạch, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, giấy phép xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật và nhà ở khu A2 với diện tích 23ha. Tuy nhiên, trong tổng thể 125ha của dự án, UBND tỉnh Đồng Nai mới cho chủ đầu tư thuê đất đợt 1 với diện tích 14ha tại Quyết định 3179/QĐ-UBND tháng 9-2018 và thuê đất đợt 2 với diện tích 2ha.
Được biết, chủ đầu tư lấy lý do ưu tiên làm đường Vành đai 3 nên bù lại phải xem xét giải quyết 125ha cho doanh nghiệp đầu tư dự án khu dân cư. Nhưng theo tìm hiểu của ĐTTC, đây là dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn đối ứng Trung ương và địa phương. Theo đó, dự án xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có tổng mức đầu tư hơn 9.260 tỷ đồng, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Tổng công ty Cửu Long làm đại diện.
Đối với dự án thành phần 1A, nguồn vốn thực hiện được lấy từ vốn vay ODA từ Quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc (190,96 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (1.149 tỷ đồng). Đối với dự án thành phần 1B, chủ đầu tư đầu tư theo hình thức BOT, thu hồi vốn thông qua thu phí sử dụng đường bộ.
Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về dự án đường Vành đai 3 và 4 mới đây, Bộ GT-VT cho biết, cả 2 dự án này đang triển khai chậm do thiếu nguồn vốn. Trong đó, dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 98,54km được chia làm gồm 4 đoạn: Tân Vạn - Nhơn Trạch; Mỹ Phước - Tân Vạn; Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. Các dự án này hiện mới lập xong thiết kế cơ sở, đang tìm nguồn vốn đầu tư, chỉ có đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đưa vào khai thác.
Tỉnh Đồng Nai phải công khai quy hoạch
Trao đổi với ĐTTC, LS. Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, cho rằng chính quyền tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch cần công khai quy hoạch phạm vi thực hiện dự án đường Vành đai 3 để người dân nắm rõ, phần đất nào thuộc diện Nhà nước thu hồi, phần đất nào chủ đầu tư đứng ra thỏa thuận bồi thường. Không thể nhập nhèm ban hành quyết định thu hồi đất của dân với giá rẻ mạt để giao cho chủ đầu tư kinh doanh thương mại.
Cũng theo LS. Chung, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, các dự án nhà ở thương mại chủ đầu tư phải trực tiếp bồi thường quyền sử dụng đất trên cơ sở giá do 2 bên thỏa thuận theo giá thị trường.
Khi chủ đầu tư hoàn tất cơ bản bồi thường cho người sử dụng đất và hoàn tất nghĩa vụ tài chính, Nhà nước mới có căn cứ ra quyết định giao đất cho chủ đầu tư để triển khai dự án. Việc chủ đầu tư dự án King Bay chưa thỏa thuận bồi thường cho dân đã đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện phân lô bán nền, là có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật.
Theo Minh Tuấn/Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính