Trái phiếu BĐS không có tài sản đảm bảo: Mua dựa vào niềm tin?
Trái phiếu bất động sản có tài sản đảm bảo chưa chắc đã đảm bảo, đằng này không có càng tăng thêm tính rủi ro cho nhà đầu tư.
Mua theo cảm tính, đám đông
Báo cáo từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research) cho thấy, trong năm 2020, trái phiếu bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (40,1%) trong tổng phát hành toàn thị trường dù là nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi các quy định chặt chẽ về điều kiện phát hành tại Nghị định 81.
Đáng lưu ý, tổng lượng trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành năm 2020 là gần 63.000 tỷ đồng. Nếu tính cả lượng trái phiếu không có thông tin tài sản đảm bảo, con số lên đến 119.800 tỷ đồng.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), thông thường, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm là dự án, tài sản hình thành trong tương lai đã là rủi ro. Đằng này, trái phiếu không có tài sản đảm bảo hay được đảm bảo bằng cổ phiếu càng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Do đó, nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng.
"Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không có tài sản đảm bảo đằng sau, trái phiếu đó chỉ như một tờ giấy nhận nợ, trong đó ghi rõ số tiền nợ bao nhiêu, lãi suất, thời gian nợ thế nào... mà không có một cơ sở nào đảm bảo thì trường hợp xảy ra rủi ro, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán hay phá sản, nhà đầu tư có thể mất trắng.
Ngay cả khi trái phiếu doanh nghiệp ấy được đảm bảo bằng một cổ phiếu mới phát hành thì đó cũng là vốn mới tăng thêm, không có ý nghĩa gì. Chưa kể, khi xảy ra rủi ro, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh, thậm chí giá trị cổ phiếu của đơn vị phát hành có thể về 0 nếu doanh nghiệp phá sản. Nhà đầu tư liệu có yên tâm không?
Rủi ro nữa là nhà đầu tư không biết khả năng quản lý của doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra sao. Chẳng hạn, đáng lý doanh nghiệp chỉ có khả năng quản lý được 100 triệu đồng, đằng này không có gì để đảm bảo mà đi vay thêm 1 tỷ đồng để kinh doanh, liệu doanh nghiệp có quản lý được không?
Không biết doanh nghiệp có khả năng quản lý số tiền mình đổ vào hay không, cũng không có tài sản gì đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng một cổ phiếu mới phát hành xong, chẳng khác nào nhà đầu tư đang mua trái phiếu bằng niềm tin", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.
Tổng lượng trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành năm 2020 là gần 63.000 tỷ đồng. |
Theo vị chuyên gia, điều này càng nguy hiểm hơn khi đa phần các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam không hiểu biết đến nơi đến chốn về trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
"Không tính tới trường hợp phá sản, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp còn chút tiền thì theo thứ tự ưu tiên thanh toán, doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước trước, chẳng hạn hoàn thành các khoản thuế... Đến nhà đầu tư thì có khi không còn vốn. Nếu cứ mua theo cảm tính, theo tâm lý đám đông, thì nhà đầu tư chắc chắn đối diện với nguy cơ mất sạch số tiền đã bỏ ra đầu tư vào trái phiếu", vị chuyên gia cảnh báo.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, dù rủi ro nhưng tại sao trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc có tài sản đảm bảo là cổ phiếu vẫn đắt hàng. Lý do là vì lãi suất của trái phiếu bất động sản rất cao, luôn trên 10%, cá biệt có trường hợp lên đến 18%.
"Vấn đề ở chỗ nhà đầu tư không hiểu rằng lãi suất chỉ như miếng mồi nhử. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất 18% thì họ phải dùng tiền đó tạo ra bao nhiêu lợi nhuận để trả cho trái chủ 18%, chưa kể phải trang trải các chi phí khác? Chuyện này rất khó, chưa kể thời gian vay kéo dài 3-5 năm càng khó hơn.
Rõ ràng, lãi suất cao nhưng rủi ro gấp nhiều lần nếu nhà đầu tư không nghiên cứu kỹ, nhất là khi nhiều đơn vị phát hành tiến hành phát hành riêng lẻ, không thông qua việc kiểm soát của Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng như cơ quan kiểm soát", ông chỉ rõ.
Ngân hàng càng phải cẩn trọng
Năm 2020, ngân hàng vừa là nhà phát hành, vừa là nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất thị trường. Dự báo, năm 2021, các ngân hàng sẽ tiếp tục mạnh tay đầu tư trái phiếu.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc mua trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc có tài sản đảm bảo là cổ phiếu là một rủi ro lớn với bất kỳ nhà đầu tư nào. Một thời gian dài, trái phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được quản lý theo đúng tiêu chuẩn của thị trường, việc phát hành trái phiếu khá lỏng lẻo. Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng cũng mất vốn, nợ xấu nhanh chóng tăng lên, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống.
Trong năm 2020, lãi suất ngân hàng xuống rất thấp, lượng vốn cho vay ra không nhiều do Ngân hàng Nhà nước vẫn đòi hỏi các ngân hàng thương mại không được hạ thấp tiêu chuẩn cho vay. Chính vì thế, khi tăng trưởng tín dụng giảm, ngân hàng đổ tiền nhiều hơn vào các kênh đầu tư, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.
Dù khi mua trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng đều phải phân tích tình hình tài chính của các tổ chức phát hành, song ông Thịnh cho rằng vẫn chưa hết rủi ro.
Theo quy định, những khoản mua trái phiếu doanh nghiệp được xem là cho vay và phải cộng vào dư nợ tín dụng. Vấn đề là trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất tương đối cao với kỳ hạn dài, có nghĩa độ rủi ro cũng tăng lên so với tín dụng ngắn hạn. Đồng thời, không loại trừ khả năng một số ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, tức họ mua trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp và doanh nghiệp dùng tiền đó để trả cho nợ cũ. Việc này sẽ rất đáng lo nếu ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ xấu thành nợ tốt là trái quy định, cần có thanh tra giám sát từ cơ quan quản lý để tránh rủi ro.
Điểm tích cực được ông Thịnh chỉ ra, đó là trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản khuyến cáo ngân hàng, nếu các ngân hàng có tỉ lệ tín dụng tập trung cao vào các lĩnh vực có rủi ro (trong đó có bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp), cơ quan thanh tra giám sát sẽ có văn bản cảnh báo để kiểm soát. Chính vì thế, hầu hết các ngân hàng đều rất cẩn trọng trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý đến việc ngân hàng có thể dùng trái phiếu doanh nghiệp đã mua làm tài sản đảm bảo để đi vay liên ngân hàng. Về nguyên tắc, các ngân hàng sẽ phải kiểm tra rất kỹ tài sản đó. Tuy nhiên, bài học về cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản dưới chuẩn tại Mỹ vào những năm 2007-2009 vẫn còn đó, do vậy sự cẩn trọng của ngân hàng là không thừa.
Để hạn chế rủi ro, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhắc lại yêu cầu đầu tiên hết sức quan trọng là cần có những tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập để đánh giá, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Ngoài ra, cần khống chế dư nợ trái phiếu phát hành/vốn chủ sở hữu...