Becamex thế chấp hàng loạt dự án tại Bình Dương cho khoản vay hơn 16.000 tỷ đồng
Theo Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, HoSE: BCM), công ty ghi nhận khoản vay nợ tài chính lên đến hơn 16.000 tỷ đồng. Đáng chú ý nhiều dự án tại Bình Dương được Becamex thế chấp cho khoản vay trên.
Vay nợ tài chính hơn 16.000 tỷ đồng
Theo Báo cáo tài chính Quý II/2021 của Becamex, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đạt 3.092 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất là bất động sản cũng hụt thu hơn 20% so với nửa đầu năm ngoái.
Tính đến cuối quý II/2021, Becamex có đến 13.400 tỷ đồng tại các công ty liên doanh liên kết bao gồm giá gốc và lãi phát sinh sau ngày đầu tư, tăng thêm 1.477 tỷ đồng so đầu kỳ. Trong đó, Becamex đã đầu tư tới 2.603 tỷ đồng vào CTCP Phát triển Công nghiệp BW (BWID) tại ngày 30/6/2021. Đây là khoản đầu tư lớn thứ 2 của Becamex vào công ty liên doanh liên kết, chỉ sau Công ty TNHH Becamex Tokyu (2.932 tỷ).
Theo tìm hiểu, BWID (liên danh Liên doanh của Becamex và quỹ đầu tư Warburg Pincus) sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5.097 tỷ, từ 8.678 lên gần 13.775 tỷ đồng. Do đó, để duy trì tỷ lệ nắm gữ 30%, Becamex sẽ góp thêm hơn 1.529 tỷ đồng vào BWID.
Trong đó đợt 1, Becamex góp thêm gần 845 tỷ đồng bằng tiền mặt chậm nhất vào 31/12/2021. Đợt 2, công ty sẽ chi 684 tỷ đồng mua hơn 68 triệu cổ phần phát hành thêm của BWID, chậm nhất 30/6/2022. Sau khi tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của Becamex tại BWID vẫn duy trì mức 30% vốn, tương ứng lên tới 4.132 tỷ đồng.
Đầu tư mạnh tay là thế, tuy nhiên dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Becamex lại âm đến 573 tỷ đồng. Đồng thời theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, phần lớn dòng tiền kinh doanh của Becamex bị tắc tại các khoản phải thu và tồn kho.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2021, tồn kho của Becamex lên đến hơn 22.900 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản. Phần lớn trong số này nằm dưới dạng chi phí xây dựng dở dang của các dự án (20.582 tỷ đồng) bao gồm giải phóng mặt bằng, các chi phí phải trả để có được quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các chi phí khác liên quan.
Đến hết tháng 6/2021 Becamex có khoản vay nợ tài chính tới hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 33% tổng nguồn vốn (48.464 tỷ đồng). Trong đó Becamex huy động qua kênh trái phiếu hơn 8.321 tỷ đồng, và từ đầu năm đến nay vẫn liên tục huy động hàng ngàn tỷ từ kênh này.
Việc vay nợ lớn khiến Becamex cũng nặng gánh với chi phí lãi vay khi hàng năm phải chi tới từ 600 – 1.000 tỷ cho khoản này.
Đáng chú, tại Báo cáo tài chính soát xét của Becamex, các khoản vay trên đều được thế chấp bằng các dự án như Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3; đất trong khu Thành phố mới Bình Dương; quyền sử dụng đất tại phường Hoà Phú, TP Thủ Dầu Một; Khu tái Định cư Hoà Lợi; bất động sản ở huyện Bến Cát; khu đô thị Lai Hưng; khu đô thị Bàu Bàng; khu dân cư ấp 5C…
BCM liên tục vay nợ qua kênh trái phiếu
Với việc dòng tiền kinh doanh liên tục âm nặng, Becamex đã dồn dập huy động tiền qua kênh trái phiếu kể từ đầu năm. Lần gần nhất là vào đầu tháng 9/2021, công ty đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp lần 3 với tổng mệnh giá tối đa 2.500 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, Becamex đã 3 lần phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị lên đến 6.000 tỷ đồng. Cụ thể, trước đó vào thời điểm tháng 3/2021, Becamex đã hoàn thành đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ lần đầu trong năm, với giá trị huy động 2.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm do Công ty cổ phần Chứng khoán Navibank là đơn vị tư vấn kiêm đại lý phát hành.
Đồng thời lô trái phiếu trên được đảm bảo bằng các quyền sử dụng đất tại Bình Dương, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên tổng mệnh giá trái phiếu phát hành thành công là 143%; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng là đại lý quản lý tài sản đảm bảo. Becamex cho biết sẽ dùng số vốn huy động được thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và (hoặc) tăng quy mô vốn hoạt động.
Sau đó vào tháng 5/2021, công ty cũng đã hoàn thành đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ lần thứ 2 trong năm với giá trị của lô trái phiếu là 1.500 tỷ đồng. trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng, kỳ hạn khoảng 1-5 năm; thời gian phát hành dự kiến trong Quý II-III/2021.
Liên quan đến tình hình tài chính của Becamex, thời điểm đầu năm nay, BCM đã bị phạt và truy thu thuế hơn 57 tỉ đồng. trong năm tài chính 2019 và 2020, Becamex đã khai sai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đó, số thuế giá trị gia tăng phải truy thu là hơn 27,8 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải truy thu là hơn 16,4 tỉ đồng.
Cục thuế tỉnh Bình Dương cũng đã ra quyết định phạt kê khai sai thuế số tiền gần 8,5 tỉ đồng, phải nộp tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng là hơn 2,9 tỉ đồng, tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 1,4 tỉ đồng. Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp Becamex tạm nộp năm 2020 là 1,87 tỉ đồng tạm thời chưa xử lý phạt kê khai sai và tiền chậm nộp do đến thời điểm kết luận thanh tra chưa kết thúc thời điểm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng số tiền truy thu thuế và tiền phạt mà Becamex phải nộp là hơn 57 tỉ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh, Becamex đặt chỉ tiêu doanh thu 3.072 tỉ đồng, tăng 43%. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng 68% lên 622 tỉ đồng trong năm 2021.