Bị Trương Mỹ Lan đòi hơn 15 nghìn tỷ, Bitexco nói không liên quan vụ án
Ngày 10/10, Tòa án Nhân dân TP. HCM tiếp tục phiên xét xử đại án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị là bị cáo Trương Mỹ Lan.
Khu công nghiệp và Khu đô thị Việt Phát
Liên quan dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Việt Phát (tỉnh Long An), theo bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, khoảng năm 2021-2022, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Nova (Novaland) lúc này là ông Bùi Cao Nhật Quân (Phó Chủ tịch HĐQT, phó tổng giám đốc Novaland) tìm đến hỏi mua dự án.
Ban đầu, bà Lan định bán với giá 45.000 tỷ đồng nhưng Novaland nhiều lần đề nghị giảm, cuối cùng thống nhất chuyển nhượng với giá 30.000 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Việt phát được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tân Thành Long An và các đối tác đến từ Hàn Quốc liên doanh đầu tư. Vào tháng 10/2022, Novaland đã tổ chức lễ công bố phát triển và xúc tiến đầu tư dự án khu đô thị Suntec City có quy mô 625 ha, nằm trong tổng thể dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Việt Phát.
Theo luật sư và đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Tân Thành Long An tham gia ý kiến tại tòa, Công ty Tân Thành Long An đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án với các đơn vị của bà Trương Mỹ Lan với giá trị 30.000 tỷ đồng.
Trong quá trình bà Khoa thực hiện tiếp việc triển khai dự án thì bị ngăn chặn và dự án bị phong tỏa bởi Bộ Công an, từ đó gây thiệt hại lớn. Nếu bị cáo Lan cử đại diện làm việc với Công ty Tân Thành Long An để chốt lại các khoản nghĩa vụ tài chính thì lúc đó phía công ty sẽ hoàn trả tiền để bà Lan khắc phục hậu quả của vụ án.
Bị cáo Lan cho biết chỉ làm việc với ông Bùi Cao Nhật Quân. Tại phiên toà trước đó, bị cáo Lan đã đề nghị Novaland trả 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt.
Liên quan dự án tại khu tứ giác Bến Thành (quận 1), trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi hơn 15.000 tỷ đồng mà Tập đoàn Bitexco đã nhận từ đối tác của bị cáo Lan.
Cụ thể, về dự án Tứ giác Bến Thành, bà Lan khai có thỏa thuận với chủ tịch Bitexco việc tìm đối tác chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỷ đồng.
Sau đó, bà đã nhiều lần chuyển cho công ty này tổng cộng 7.000 tỷ đồng. Bà có nói với chủ tịch công ty nhận chuyển nhượng là nếu bán dự án cho ai thì hoàn trả lại cho bà 7.000 tỷ đồng, và 30% giá trị của 7.000 tỷ đồng. Sau này, bà tìm được đối tác từ Singapore để vào thực hiện dự án, nhưng họ đang chuẩn bị nguồn tiền thì bà bị bắt.
Đại diện Bitexco thừa nhận, Công ty Bitexco dùng 15.712 tỷ đồng trên để trực tiếp thanh toán hoặc chuyển cho công ty con trong tập đoàn để hoàn trả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, và một số dự án khác trong tập đoàn Bitexco.
Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Công ty Bitexco đề nghị tòa không thu hồi số tiền trên, vì giao dịch dân sự hợp pháp giữa các bên; Bitexco nhận số tiền và hoàn toàn không biết số tiền này có liên quan đến vụ án hay không.
Bên cạnh đó, người bảo vệ cho Bitexco nói 15.712 tỷ đồng đã hòa vào tiền của tập đoàn, không thể tách rời và khẳng định doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế.
Quá trình tìm hiểu nguồn gốc số tiền trên không liên quan tới SCB, không liên quan tới việc phát hành trái phiếu và Bitexco là bên chuyển nhượng dự án thật, họ không có nghĩa vụ biết về nguồn tiền của bên nhận chuyển nhượng. Luật sư nói thêm, quá trình chuyển nhượng gặp sự cố khiến công ty này đang phải chịu thiệt hại hơn 12.000 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Bộ Công an phong tỏa, ngăn chặn nhiều tài khoản của Công ty Bitexco và công ty trong hệ sinh thái. Trình bày tại tòa, luật sư đề nghị giải tỏa các lệnh trên để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển.
Liên quan tới vấn đề trên, trong quá trình xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan xác định quan hệ giữa mình và Bitexco là dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp này.