Biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các khu công nghiệp
Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoạt động đa dạng, trong đó có nhiều ngành nghề có nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ cao như sản xuất hàng dệt may, giấy, hàng điện tử, gỗ… nếu để xảy ra cháy nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Những năm gần đây, tình hình cháy tại các khu công nghiệp(KCN) diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ thiệt hại, chủ yếu xảy ra tại những cơ sở sản xuất các mặt hàng dễ cháy, nổ như: Hóa chất, may mặc, giấy, đệm mút, gỗ… Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi các ca sản xuất nghỉ làm việc nên khi được phát hiện thì các đám cháy thường đã lan rộng, gây thiệt hại lớn về tài sản. Hậu quả của các vụ cháy để lại là rất thảm khốc, ngoài thiệt hại về con người, tài sản, vật chất, các vụ cháy còn gây ảnh hưởng xấu tới môi trường ở các địa phương.
Theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng BQL các KCN tỉnh Hà Nam cho biết, công tác PCCC tại các KCN hiện vẫn còn những hạn chế nhất định, gây khó khăn trong công tác CNCH khi có cháy nổ xảy ra. Cụ thể là một số KCN chưa xây dựng được phương án chữa cháy cho toàn khu theo quy định của Luật PCCC; chưa bố trí địa điểm xây dựng đơn vị cảnh sát PCCC ở nơi phù hợp với quy hoạch để bảo đảm cho các hoạt động thường trực sẵn sàng chiến đấu, tập luyện, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy; chưa bố trí được các ao, hồ tự nhiên dự trữ nước phục vụ công tác PCCC theo quy định. Nhiều doanh nghiệp trong các KCN chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCCC như: chưa bảo đảm kinh phí cho công tác PCCC; không tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về PCCC; chưa lắp đặt hệ thống PCCC theo quy định…
Tại hội thảo về thiết bị điện phòng nổ trong công nghiệp và năng lượng quốc gia, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ trong các khu công nghiệp hiện nay.
Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý các khu công nghiệp, trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp trong công tác phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó phải có chế tài cụ thể buộc các doanh nghiệp phải thành lập và hoàn thiện mô hình đội chữa cháy chuyên ngành tại các khu công nghiệp theo đúng quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy 2013 và các quy định liên quan.
Phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy, xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy chữa cháy tại khu công nghiệp. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy cho các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở trong các khu công nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp khẩn trương ban hành quy định, nội quy an toàn phòng cháy chữa cháy và tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy cho cán bộ, công nhân viên.
Doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy thường xuyên, định kỳ hằng ngày, nhất là vào các thời điểm sau khi tan ca sản xuất để phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót và các nguồn nhiệt do sơ suất có thể dẫn đến cháy.
Phải rà soát, phân loại hàng hóa, vật tư nguyên liệu theo tính chất nguy hiểm cháy nổ, trên cơ sở đó bố trí sắp xếp, bảo đảm khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, ngăn cháy lan bên trong nhà xưởng trong khu vực cơ sở hoặc cháy lan từ ngoài vào trong và ngược lại… Mặt khác, khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các cơ sở sản xuất, nhà kho tại các khu công nghiệp phải bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu, quy định về phòng cháy chữa cháy theo các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Đặc biệt chú ý về công năng sử dụng của công trình, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, trang bị các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy và hệ thống kỹ thuật có liên quan.
Phải kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy chữa cháy.Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy cho toàn khu công nghiệp. Bên cạnh đó, định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và bảo đảm tình trạng nguồn nước chữa cháy, bảo đảm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu cả về lực lượng và phương tiện.
Tăng cường hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc cùng với người sử dụng lao động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình – biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan
Liên tục kiểm tra rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống cháy nổ nhằm hướng đến việc hoàn thiện và kiện toàn về mặt chất lượng trong tính pháp lý của từng văn bản quy định đối với từng chủ thể, hạng mục sản xuất kinh doanh cũng như tính chất, quy mô của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn cả nước. Trong đó, đặc biệt là các quy định về phòng chống cháy nổ liên quan đến các đối tượng, phạm vi, hạng mục… tham gia trong quá trình sản xuất kinh doanh đặc thù có nguy cơ về phát sinh cháy, nổ cao.
Các cấp, ngành, các địa phương, các cơ quan quản lý về phòng chống cháy nổ cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện thông tin về tầm quan trọng của các hoạt động phòng chống cháy nổ, phát huy hiệu quả phòng cháy chữa cháy tại chỗ, tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động phòng cháy chữa cháy.
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy để đảm bảo luôn luôn ở chế độ thường trực; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo định kỳ quy định. Tổ chức đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy để lực lượng này đủ năng lực làm tốt công tác phòng ngừa và chữa cháy tại chỗ. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH xây dựng đủ mạnh cả về lực lượng và trang thiết bị hiện đại để kịp thời ứng phó với những sự cố xảy ra.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử phạt, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ cơ sở có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy, nổ. Đối với những cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về kỹ thuật an toàn trong phòng chống cháy nổ. Đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định cụ thể đối với việc quản lý, sử dụng máy – thiết bị, nguyên vật liệu, các chất có nguy cơ cháy nổ cao. Cùng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ đối với doanh nghiệp, người lao động, các nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất kinh doanh…
Công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các khu công nghiệp – khu chế xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng không những của Chính phủ mà còn của cả các cấp, ngành có liên quan, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của các Ban quản lý khu công nghiệp, lực lượng PCCC&CNCH tại địa phương và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Do vậy, các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức về phòng chống cháy nổ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong công tác này nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ragóp phần tổ chức sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.
Ngoài ra, để hạn chế triệt để các nguy cơ về cháy, nổ tại doanh nghiệp thì cần phải có sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, ý thức trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nhằm đảm bảo ổn định cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; góp phần giữ vững an ninh trật tự, xây dựng môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, tạo đà phát triển bền vững về kinh tế, xã hội cho địa phương, cho đất nước.