Bình Định nâng cấp cảng hàng không Phù Cát thành sân bay quốc tế
Theo quy hoạch, Bình Định sẽ nâng cấp cảng hàng không Phù Cát đến năm 2030 thành sân bay quốc tế với quy mô cấp 4E, công suất thiết kế 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 có công suất thiết kế 12 triệu hành khách/năm.
UBND tỉnh Bình Định đang lấy ý kiến về dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo, đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 bình quân 9,5%- 10%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 221,6-232 triệu đồng/người.
Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; phát triển tất cả các lĩnh vực lấy nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.
Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của Việt Nam.
Bình Định cũng sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh và các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, cảng hàng không Phù Cát, cảng Quy Nhơn.
Đồng thời, chú trọng nâng cấp, phát triển mạng lưới hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nhất là các đô thị trung tâm và khu kinh tế động lực của tỉnh như thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội.
Về đường sắt, địa phương này sẽ nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, xây dựng hệ thống tuyến theo hướng thuận tiện cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa. Xây dựng hệ thống các ga đường sắt theo hướng là các trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa chất lượng cao, khối lượng lớn.
Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên hành lang Bắc – Nam tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt đô thị nối Quy Nhơn đến Cát Tiến và sân bay Phù Cát.
Bình Định cũng đầu tư nâng cấp cảng hàng không Phù Cát đến năm 2030 thành sân bay quốc tế với quy mô cấp 4E, công suất thiết kế 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 có công suất thiết kế 12 triệu hành khách/năm.
Mở rộng cảng Quy Nhơn, xây dựng mới cảng Nhơn Hội, cảng Mỹ An Phù Mỹ và các cảng biển theo quy hoạch; xây dựng cảng Lộ Diêu (Hoài Mỹ, Hoài Nhơn); đầu tư xây dựng cảng du lịch trên cơ sở di dời cảng cá Quy Nhơn ra Vĩnh Lợi, Mỹ Thành, Phù Mỹ.