Bình Dương nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 “khủng” thế nào?

Sau khi nâng cấp, mở rộng, Quốc lộ 13 (Bình Dương) sẽ rộng tới 8 làn xe, kết nối 17 công trình đi qua liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 26/4, Bình Dương chính thức khởi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ giáp ranh TP.HCM đến TP Thủ Dầu Một từ 6 làn xe lên 8 làn xe nhằm khắc phục điểm nghẽn về giao thông, mở ra diện mạo, cơ hội mới để Bình Dương tăng cường kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến phần bổ sung là 1.367 tỷ đồng. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng được thực hiện ở dự án sử dụng ngân sách tỉnh, không tính vào tổng mức đầu tư.

Theo đó, cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 từ cổng chào Vĩnh Phú (Km1+315) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (Km15+018,28) dài 12,7km, mở rộng thêm 2 làn xe rộng từ 12 đến 18m, nâng tổng số làn xe lên 8 làn, bề mặt đường rộng từ 39,5 đến 40,5m.

 Quốc lộ 13 (Bình Dương) sẽ rộng tới 8 làn xe, kết nối 17 công trình đi qua.  
 Quốc lộ 13 (Bình Dương) sẽ rộng tới 8 làn xe, kết nối 17 công trình đi qua.  

Trên tuyến Quốc lộ 13, sẽ xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa có quy mô dài 880m rộng 17m; cầu vượt qua nút giao thông Hòa Lân dài 646m, rộng 17m; cầu Tân Phú được mở rộng thêm một đơn nguyên hướng từ TP.HCM đi TP Thủ Dầu Một, nâng tổng chiều rộng cầu lên 40,5m; hầm chui Ngã tư Chợ Đình có quy mô 02 làn xe, từ đường Yersin qua đường Phú Lợi, chiều dài hầm 450m; dự án hầm chui Ngã năm Phước Kiến có quy mô dự kiến 04 làn xe, từ đường Huỳnh Văn Cù qua đường Phạm Ngọc Thạch, chiều dài hầm 450m.

Để phát huy tối đa lợi thế của trục đường Quốc lộ 13, nhiều dự án giao thông khác cũng sẽ được triển khai liên thông với tuyến đường này để tạo ra một hành lang vận chuyển thông thoáng. Trong đó, có dự án quan trọng là đường Vành đai 3 được nối giao với đoạn Quốc lộ 13 đầu tiên được mở rộng (từ nút giao Đại lộ Tự Do đến đường Lê Hồng Phong).

Bên cạnh đó, dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước) dự kiến sẽ có điểm đầu tại nút giao ĐT743 với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, điểm cuối giao với Quốc lộ 14 tại Chơn Thành và có các đoạn tuyến nối cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với nút giao Gò Dưa (đường Vành đai 2 TP.HCM).

Đánh giá tầm quan trọng của việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, dự án có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục tạo ra "bộ khung kỹ thuật" để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng mục tiêu giải tỏa áp lực giao thông và chuẩn bị cho phát triển đô thị.

Dự án góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh.

 Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục tạo ra "bộ khung kỹ thuật" để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng mục tiêu giải tỏa áp lực giao thông và chuẩn bị cho phát triển đô thị.  
 Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục tạo ra "bộ khung kỹ thuật" để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng mục tiêu giải tỏa áp lực giao thông và chuẩn bị cho phát triển đô thị.  

Do đó, trong chiến lược phát triển của tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư để phát huy lợi thế của trục đường Quốc lộ 13. Dự kiến đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, có đến 17 công trình đi qua đoạn Quốc lộ này.

Bên cạnh đó còn có các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 5, 8; công trình trung chuyển được bố trí tại khu vực Lotte Mart và hơn 10 tuyến xe bus đô thị kết hợp xe bus nhanh… Tỉnh cũng đã quy hoạch trục Quốc lộ 13 đoạn từ trung tâm Lái Thiêu tới đường Nguyễn Văn Tiết thành đại lộ kinh tế, tài chính, dịch vụ sầm uất. 

"Phát huy thế mạnh về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư, tạo môi trường phát triển bền vững để xây dựng Bình Dương theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, một đô thị năng động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Hai địa phương có tuyến đường đi qua là TP Thủ Dầu Một và TP Thuận An phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tiến hành kiểm kê, thẩm định để áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuyến đường qua Thuận An từ cổng chào Vĩnh Phú đến giao lộ Lê Hồng Phong, qua kiểm đếm có 470 hộ dân và 58 tổ chức có ảnh hưởng, giải toả bởi dự án, diện tích đất dự kiến thu hồi 225.100m2.

Tuyến đường qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một có 24 trường hợp gồm 23 hộ, 01 tổ chức/26 thửa đất có ảnh hưởng, giải toả bởi dự án. Nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng được thu hồi, mong mỏi dự án sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong thời gian nhanh nhất.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, qua triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho thấy địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, doanh nghiệp, một số khu vực hiện đã có thể giao cho đơn vị thi công để tiến hành khởi công xây dựng.

Quang Hải – Hoàng Hải

Theo Sở hữu trí tuệ