Bình Thuận: Gian nan 40 năm đi khiếu nại đòi lại đất hương hỏa
Dù đất nông nghiệp đang trong quá trình tranh chấp, song các đối tượng vẫn ngang nhiên buôn bán trái pháp luật, dẫn tới thất thu cho ngân sách nhà nước tại huyện Tuy Phong.
Được biết từ năm 1976, gia đình của ông Phạm Dậu được Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hương cho thuê và sử dụng mảnh đất 9.430m2 thuộc khu phố 6, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Hợp tác xã Nông nghiệp đã giao cho ông Phạm Dậu sử dụng, đồng thời chấp thuận cho gia đình ông Phạm Dậu thuê đất có thời hạn số diện tích 9.430m2 này để sản xuất nông nghiệp. Theo Quyết định 06 của UBND tỉnh Bình Thuận ngoài việc giao đất cho ông Phạm Dậu, yêu cầu ông Dậu không được trồng cây lâu năm, xây nhà trên diện tích được thuê và phải thực hiện đủ nghĩa vụ sử dụng diện tích đất theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên trên thực tế, ông Dậu đã phân lô bán nền trái phép, ngầm chuyển nhượng cho nhiều người và họ đã xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp. Đỉnh điểm là năm 2016, ông Phạm Dậu đã bán cho 5 hộ dân để họ cất nhà kiên cố sinh sống trên diện tích đất nông nghiệp. Sau khi ông Phạm Dậu mất, hai người con trai của ông được ủy quyền quản lí và sử dụng đất, cả hai đã xây nhà ở (3 căn nhà cấp 4) và bán cho hai người khác để xây dựng nhà ở (2 căn nhà cấp 4) và đã phân lô bán đất ở 10 lô/10 người.
Theo thông báo của kết luận số 375/TB_UBND ngày 22/8/2017, căn cứ theo kết quả hiện trạng sử dụng đất, hiện nay ông Dậu đã tự ý phân lô thành đất ở, chia cho các con và sang nhượng lại cho nhiều người khác khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép. Ngày 22/11/2017 UBND huyện đã có Công văn số 2807/UBND_BTCD báo cáo về việc ngăn chặn hành vi tự ý phân lô, sang nhượng, xây cất trái phép của gia đình ông Phạm Dậu qua phản ánh của bà Lê Thị Ngọc Sinh.
Theo báo cáo số 170/BC-UBND ngày 27/12/2017 của UBND thị trấn Liên Hương về hiện trạng sử dụng đất của ông Phạm Dậu. Theo đó, ông Phạm Dậu ngầm chuyển nhượng trái phép cho các hộ từ trước (Nguyễn Trung Đức, Trần Thị Mỹ Vân, Dương Văn Sáng, Lê Văn Phương) và 2 trường hợp còn lại là người nhà của ông Phạm Dậu (Trần Sáng, Nguyễn Thị Hạnh).
Gia đình ông Phạm Dậu đã ngang nhiên thu lợi bất chính, sử dụng sai mục đích ban đầu so với Quyết định cho thuê đất nông nghiệp của UBND tỉnh. Thậm chí ngang nhiên mở đường để thuận tiện cho hành vi vi phạm pháp luật của mình, gây thất thoát tài sản công và ngân sách của nhà nước.
Đáng nói phần đất này vẫn đang chờ kết luận từ Thanh tra Chính phủ, bởi sự việc tranh chấp đất trong nhiều năm giữa gia đình bà Dương Thị Quyền và gia đình ông Phạm Dậu.
Nguồn gốc mảnh đất 9.430m2?
Phản ánh đến PV, bà Lê Thị Ngọc Sinh (là người đại diện của bà Dương Thị Quyền – ngụ thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cho biết: Mảnh đất 9.430m2 (thuộc tục danh Gò Sạn, nay là khu phố 6, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) là do ông bà tổ tiên để lại cho gia đình bà thuộc tục danh Gò Sạn, nay là khu phố 6, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nguồn gốc đất được ông nội của bà Quyền xác lập ở thời kỳ Bảo Đại năm thứ 13, có Tờ khấu trình.
Dẫn chứng, bà Sinh nêu, tại báo cáo số 10/2001/BC/UB.LH, ngày 17/4/2001 của UBND thị trấn Liên Hương, về kết quả thực hiện quyết định số 111 và quyết định số 830 của UBND huyện Tuy Phong về việc thu hồi đất sản xuất của ông Phạm Dậu; Quyết định số 872/2002/QĐ/CT-UB.TP ngày 2/10/2002 của UBND huyện Tuy Phong, trong phần kết quả thẩm tra xác minh nguồn gốc đất 9.430m2 cũng nêu rõ: “Trước năm 1975, gia đình bà Dương Thị Quyền tạo lập khoảng 10.000m2 đất màu, tọa lạc tại thị trấn Liên Hương, tục danh Gò Sạn để dùng vào mục đích hương hỏa”. Hay tại Văn bản số 2586/UBND-NC ngày 3/10/2018 của Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cũng nêu: “Thời điểm trước năm 1975, gia đình bà Dương Thị Quyền (mẹ của bà Lê Thị Ngọc Sinh) tạo lập khoảng đất khoảng 1ha tại khu vực Gò Sạn, thị trấn Liên Hương...”.
Sau nhiều biến động, gia đình bà Sinh tạm không canh tác trên diện tích đất này, mà cho nhiều người khác thuê canh tác, trồng nhiều loại cây khác nhau. Đến năm 1976, bà Dương Thị Quyền (mẹ ruột bà Sinh) phát hiện toàn bộ diện tích 9.430m2 bị ông Phạm Dậu chiếm giữ. Tất cả các văn bản nêu trên và nhiều văn bản khác đều ghi nguồn gốc đất là của gia đình bà Dương Thị Quyền. “Các văn bản nêu là tái khẳng định nguồn gốc đất của gia đình tôi, việc gia đình ông Phạm Dậu sử dụng diện tích 9.430m2 là chiếm dụng".
Hai đời đi đòi một miếng đất hương hỏa
Bà Lê Thị Ngọc Sinh (là người đại diện của bà Dương Thị Quyền – ngụ thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cho biết, đã hơn 40 năm nay, mẹ bà và bà đã làm nhiều đơn thư, xin nhận lại diện tích 9.430m2 là đất do ông bà tổ tiên để lại đều không được chấp nhận.
Bức xúc về việc ông Phạm Dậu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn lúc đương nhiệm làm hợp tác xã để chiếm đoạt đất, bà Quyền đã làm đơn khiếu kiện. Từ đó đến nay, trải qua hơn 40 năm, việc khiếu kiện đòi lại đất hương hỏa của bà Quyền vẫn không có kết quả. Tuổi già sức yếu, trước khi lâm chung, bà Quyền đã ủy quyền lại cho bà Lê Thị Ngọc Sinh (con gái ruột) kèm lời trăn trối phải lấy lại 9.430m2 đất nói trên vì đây là đất hương hỏa.
Bà Sinh cho biết, sau khi được mẹ ủy quyền, bà đã có rất nhiều đơn thư, gửi đến chính quyền các cấp của tỉnh Bình Thuận yêu cầu giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trái lại, trên diện tích 9.430m2 này, gia đình ông Phạm Dậu còn tự ý mở đường, ngầm phân lô bán cho nhiều người, xây nhiều công trình, nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp mà không gặp bất cứ một cản trở nào từ chính quyền địa phương. Năm 2016, gia đình ông Phạm Dậu đã bán cho 5 hộ dân để họ cất nhà kiên cố sinh sống trên diện tích đất nông nghiệp. Biết được sự việc này, gia đình bà Sinh có trình báo UBND thị trấn Liên Hương để chính quyền có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, hàng chục căn nhà vẫn mọc lên, thách thức chính quyền.
Bà Sinh cho biết, trên thực tế phần diện tích 7.000m2 đã được thu hồi (vào các năm 1997 và năm 2000), đến ngày 14/05/2000, UBND thị trấn Liên Hương có biên bản bàn giao đất giao cho gia đình bà số diện tích 7.000m2 đất tại khu vực Gò Sạn theo Quyết định số 112/QĐ/UB.TP ngày 31/3/1997 của UBND huyện Tuy Phong, nhưng lúc đó gia đình bà chưa nhận đất, lý do là phải giao luôn diện tích 2.430m2 mà ông Phạm Dậu đang chiếm đoạt.
Điều đáng nói là trong khi bà Quyền đang yêu cầu được giao lại toàn bộ diện tích 9.430m2 vì đây là đất hương hỏa thì Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lại ban hành quyết định số 06/QĐ-CT.UBBT, ngày 02/01/2004, chấp nhận cho gia đình ông Phạm Dậu thuê có thời hạn số diện tích đất nông nghiệp 9.430m2.
Bà Sinh bức xúc: “Mặc dù Nhà nước xác định 9.430m2 có nguồn gốc là đất của gia đình tôi, và thực tế đã có quyết định bàn giao một phần (7.000m2) cho gia đình tôi. Sau khi thu hồi diện tích trên và nếu giao cho người dân sử dụng thì gia đình tôi phải được ưu tiên bàn giao. Việc Chủ tịch tỉnh Bình Thuận tiếp tục giao cho gia đình ông Phạm Dậu được tiếp tục sử dụng không những trái với thực tế mà còn tạo tiền đề để ông Phạm Dậu và các con chiếm dụng toàn bộ diện tích 9.430m2 của gia đình tôi. Gia đình tôi chưa nhận lại diện tích 7.000m2 được UBND thị trấn Liên Hương bàn giao vào năm 2000 là bởi chờ UBND thị trấn bàn giao luôn phần diện tích 2.430m2 để thực hiện một lần việc nhận đất và làm các thủ tục giấy tờ về đất chứ không phải từ chối nhận”.
Cũng theo bà Sinh, Quyết định 06 của UBND tỉnh Bình Thuận ngoài việc giao đất cho ông Phạm Dậu, còn yêu cầu ông Dậu không được trồng cây, xây nhà trên diện tích được thuê. Tuy nhiên trên thực tế, ông Dậu đã phân lô, ngầm chuyển nhượng cho nhiều người và họ đã xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp. Trong đó có nhà của các ông Trần Sáng, Dương Văn Sáng, Lê Văn Phương, bà Trần Thị Mỹ Vân, Nguyễn Thị Hạnh…
Bà Sinh cho biết thêm: “Tôi khẳng định, toàn bộ diện tích 9.430m2 mà tôi đã yêu cầu nhà nước cho nhận lại là đất nông nghiệp. Trước thời điểm năm 2010 trên đất chỉ có 1 nhà tạm của ông Phạm Dậu, ngoài ra không có bất cứ một công trình nào. Việc UBND thị trấn Liên Hương không phát hiện việc xây dựng hàng chục ngôi nhà trên diện tích đất này trong giai đoạn 2016 - 2017 là buông lỏng quản lý. UBND thị trấn Liên Hương trong báo cáo số 170/BC-UBND ngày 27/12/2017 nêu việc xây dựng của các cá nhân nói trên và hình thức xử phạt chỉ là để hợp thức hóa việc quản lý lỏng lẻo”, bà Sinh phân tích.
Không những thế, theo bà Sinh, mặc dù các công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhưng từ UBND thị trấn Liên Hương, UBND huyện Tuy Phong và cả UBND tỉnh Bình Thuận không có bất cứ một phương án nào về việc cưỡng chế tháo dỡ. Điều này đang dung túng cho gia đình ông Phạm Dậu tiếp tục tự ý mở đường mòn trên đất, tự ý phân lô, ngầm chuyển nhượng cho nhiều người nhằm tạo tranh chấp phức tạp”, bà Sinh bức xúc.
UBND thị trấn Liên Hương nói gì?
Về vụ việc này, hiện UBND thị trấn Liên Hương đã có văn bản thông báo của kết luận số 375/TB_UBND ngày 22/8/2017 báo cáo việc ông Dậu sử dụng đất trái mục đích. UBND thị trấn Liên Hương cũng đã có biện pháp ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm. Các trường hợp Dương Văn Sáng, Lê Văn Phương, Trần Thị Mỹ Vân, Nguyễn Thị Hạnh, UBND đề nghị ngừng ngay việc xây dựng và ban hành quyết định xử phạt (theo báo cáo số 170/BC-UBND ngày 27/12/2017).
Đối với phản ánh của bà Lê Thị Ngọc Sinh các cấp chính quyền đẫ nhiều lần giải quyết khiếu nại của bà. Xét theo nội dung khiếu nại của bà Lê Thị Ngọc Sinh đến nay không có chứng cứ, tài liệu hay tình tiết gì mới để làm thay đổi các kết quả trước đây. Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại của bà lần cuối tại Quyết định số 06/QĐ-CT.UBBT ngày 02/01/2004. Ngoài ra, UBND Bình Thuận cũng chỉ đạo (có văn bản) tạm ngừng việc chuyển mục đích đất và cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của các con ông Dậu cho đến khi có kết luận từ Thanh tra Chính phủ.