Bộ GTVT thúc nhà thầu lập kế hoạch thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Các nhà thầu lập phải kế hoạch thi công tổng thể, kế hoạch thi công chi tiết từng hạng mục, kèm theo kế hoạch huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm… và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trước ngày 15/1/2023.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các Ban quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận về việc lập kế hoạch tổ chức thi công, quản lý chất lượng, tiến độ ngay sau khi khởi công các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, để tổ chức triển khai các dự án thành phần ngay sau khi khởi công, Bộ GTVT yêu cầu các Ban quản lý dự án khẩn trương chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công tổng thể, kế hoạch thi công chi tiết từng hạng mục, kèm theo kế hoạch huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm… trình tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/1/2023.
Các Ban quản lý dự án cũng phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành có liên quan trong công tác GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ.
“Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Ban quản lý dự án phối hợp với các nhà thầu thi công khẩn trương làm việc với các cấp chính quyền của địa phương để hoàn tất các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng đáp ứng tiến độ thi công của dự án”, văn bản của Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đối với các đơn vị tư vấn thiết kế, Bộ GTVT đề nghị thực hiện nghiêm túc công tác giám sát theo quy định, kịp thời phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều chỉnh thiết kế (nếu có); khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế của hồ sơ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Bên canh đó, các đơn vị tư vấn giám sát cũng được yêu cầu bố trí đầy đủ số lượng kỹ sư tư vấn giám sát đảm bảo năng lực theo qui định của hợp đồng; Tổ chức giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của nhà thầu trên công trường, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn, vệ sinh môi trường theo qui định.
Về phía các nhà thầu, Bộ GTVT yêu cầu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu tại hiện trường ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, thành lập phòng thí nghiệm hiện trường để kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình theo quy định.
“Các nhà thầu cũng phải tổ chức thi công các hạng mục công trình tuân thủ quy trình thi công, hồ sơ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu của dự án”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
Trước đó như VietnamFinance đã thông tin, ngày 1/1/2023 vừa qua, Bộ GTVT đã đồng loạt tổ chức khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công đồng loạt, kết nối trực tuyến 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam.
Theo đó, 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần được khởi công gồm: gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,2km); gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (30km); gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (23,54km); gói thầu XL01 đoạn Bùng - Vạn Ninh (30,29km); gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (32,54km); gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (30km).
Cùng với đó là các gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (23,5km); gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (22,1km); gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (24,05km); gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (30,85km); Dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu, chiều dài 37,65km) và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (22,4km).
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua với tổng chiều dài là 729km và được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).
Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Dự án được đầu tư quy mô phân kỳ với mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tốc độ thiết kế 100 - 120km/h trên tất cả 12 đoạn tuyến. Phạm vi GPMB dự án theo quy mô 6 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được duyệt.