Bộ Quốc phòng góp ý gì về đề án xây Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM?
Bộ Quốc phòng vừa có văn bản gửi UBND TP. HCM tham gia góp ý đối với dự thảo Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM.
Theo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. HCM sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ tài chính.
Đồng thời, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM cũng sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế vào Việt Nam; mở rộng hoạt động cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm Việt Nam ra ngoài khu vực; nâng cao vị thế của TP. HCM và Việt Nam trên trường quốc tế.
Do đó, Bộ Quốc phòng thống nhất về chủ trương xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. HCM.
Bộ Quốc phòng cho rằng, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. HCM sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam, tuy nhiên, dự báo sẽ tiềm ẩn rủi ro nhất định, đặc biệt là các rủi ro về mất an ninh tài chính - tiền tệ (nạn rửa tiền, tội phạm tài chính, giao dịch tiền bất hợp pháp có liên quan đến hoạt động tham nhũng, tài trợ khủng bố, buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí).
Vì vậy, việc xây dựng đề án cần có các phân tích cụ thể hơn về các rủi ro có thể xảy ra và xây dựng biện pháp xử lý, phòng tránh giảm thiểu các rủi ro này.
Cũng theo Bộ Quốc phòng, hiện tại, TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn thiếu nhiều yếu tố để có thể cạnh tranh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế (cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao về tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin...).
Trong thực tế, các tổ chức tài chính quốc tế chưa hiện diện nhiều tại Việt Nam và có xu hướng chủ yếu phục vụ cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thậm chí đã có một số ngân hàng nước ngoài rút chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam do hoạt động không hiệu quả.
Hiện chưa có đủ cơ sở để khẳng định Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. HCM có thể cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác (Singapore, Hồng Kông, Jakarta, Manila, Kuala Lumpur, Bangkok...), đặc biệt bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay và thời gian tới dự kiến sẽ còn nhiều khó khăn.
Do vậy, cần có phương án, giải pháp đồng bộ, có lộ trình triển khai cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh so với các trung tâm tài chính khác trong khu vực và quốc tế; có thể nghiên cứu xây dựng lộ trình trung tâm tài chính phân chia thành các giai đoạn phù hợp, từ thấp đến cao (quốc gia, khu vực, quốc tế và toàn cầu).
Theo Bộ Quốc phòng, việc đề xuất quan điểm phát triển trung tâm tài chính tại TP. HCM dưới hình thức "không gian mềm" cũng cần được cân nhắc, phân tích đầy đủ và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đưa ra giải pháp triển khai phù hợp.
Hiện tại, các nhóm chính sách đề xuất chưa được đánh giá tác động và cung cấp số liệu tính toán thống kê cụ thể (ví dụ, nếu áp dụng thay đổi chính sách ước tính sẽ tăng thu hút được bao nhiêu vốn đầu tư, lao động chất lượng cao, tác động đến thu chi ngân sách như thế nào...).
Một số chính sách tiềm ẩn rủi ro về quốc phòng, an ninh như việc cho phép chuyển đổi đồng Việt Nam thành ngoại tệ tương đương mà không phải chứng minh mục đích chuyển đổi hay chuyển tiền; việc nới lỏng thủ tục xuất nhập cảnh và việc sở hữu bất động sản của người nước ngoài.
Do đó, Bộ Quốc phòng cho rằng, việc đề xuất xây dựng hành lang pháp lý phải cần được phân tích cụ thể, xem xét cẩn thận trên cơ sở nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và trước hết, đảm bảo quốc phòng, an ninh cũng như an toàn chủ quyền quốc gia.
Trước đó, Tập đoàn IPPG đã ký biên bản ghi nhớ với UBND TP. HCM về việc sẽ tài trợ nghiên cứu, xây dựng đề án, sau đó chuyển giao cho TP. HCM.
Cuối năm ngoái, Tập đoàn IPPG đã có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất cho công ty này và đối tác nghiên cứu, thực hiện 45 dự án đầu tư trọng điểm tại TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Kiên Giang, Khánh Hòa cùng một số tỉnh, thành phố khác.
Sau khi nhận được văn bản của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao 6 bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn IPPG.