Bộ trưởng Bộ Tài chính: TTCK là 'huyết mạch' của nền kinh tế hiện đại
Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá thị trường chứng khoán đã góp phần huy động được hàng triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển, từ đó khẳng định vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế hiện đại.
Nội dung này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sáng ngày 28/7.
Theo báo cáo, sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những chuyển mình ngoạn mục. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch vượt 1.600 (lúc thành lập chỉ có 2 doanh nghiệp), bao phủ hầu hết các ngành kinh tế chủ lực.
Tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, tương đương gần 71% GDP (7/2025) - mức cao nhất trong lịch sử (tăng tăng gấp 6 lần so với 10 năm trước).
Thị trường trái phiếu với quy mô đạt gần 30% GDP - đặc biệt là trái phiếu chính phủ - là kênh huy động vốn ổn định cho ngân sách nhà nước. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đã vượt 10 triệu, cho thấy sự lan tỏa sâu rộng của thị trường đến toàn xã hội...
Không những thế, thị trường chứng khoán còn đóng vai trò trọng yếu trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong giai đoạn 2011-2020, hơn 650 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn qua kênh chứng khoán, thu về hơn 229 nghìn tỷ đồng, góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch, hiệu quả.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá thị trường chứng khoán ngày càng hoàn thiện về khung khổ pháp lý, cấu trúc thị trường, hạ tầng công nghệ, sản phẩm, tổ chức trung gian…

Theo Bộ trưởng, thị trường chứng khoán đã góp phần huy động được hàng triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển, khẳng định vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế hiện đại và là một trong các trụ cột quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia, bên cạnh hệ thống ngân hàng và bảo hiểm.
"Một phần tư thế kỷ dù không quá dài nhưng đó là hành trình xây dựng, phát triển đầy bản lĩnh và bền bỉ của thị trường chứng khoán Việt Nam, từ sơ khai đến chuẩn mực của một thị trường bậc cao của nền kinh tế đất nước. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã cho thấy vai trò, đóng góp hiệu quả trong từng chặng đường phát triển của kinh tế đất nước; từ đó đã khẳng định là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế và doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Nhấn mạnh Việt Nam đang bước bước vào kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng trọng trách và nhiệm vụ của ngành tài chính nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng trong thời gian tới cũng rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm lớn để biến thách thức thành động lực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thời gian tới Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị toàn ngành chứng khoán tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Bên cạnh đó, tổ chức vận hành thị trường một cách an toàn, ổn định, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm nâng cao tính minh bạch và kỷ cương thị trường.
Đồng thời, tiếp tục tái cấu cơ cấu các trụ cột của thị trường hiệu quả, tăng cường nhà đầu tư tổ chức, nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên thị trường chứng khoán, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nhà đầu tư; thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, vừa phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới.
Cuối cùng là tăng cường thông tin tuyên truyền và đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư; thúc đẩy hợp tác quốc tế toàn diện, có chiều sâu, nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.