Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường: “Đánh thuế cao với hành vi đầu cơ, găm đất, lướt sóng để hạ giá bất động sản”
Mới đây Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị, đánh thuế cao với hành vi đầu cơ, găm đất hay lướt sóng để hạ giá bất động sản.
Theo Bộ trưởng, những hành vi nay mua đi mai bán lại, lướt sóng giá đất để kiếm lời trên thực tế không mang lại giá trị kinh tế cho xã hội. Hiện nay có những trường hợp đã quyết định để giao đất nhưng tiền thu thì vẫn nợ. Như vậy là chưa thực hiện một phần trách nhiệm tài chính với nhà nước.
“Đất lẽ ra giao cho anh làm một dự án là khu công nghiệp nhưng anh giữ lại không làm, mà đất không làm thì vẫn lên giá. Quá trình khi giao đất đã thu tiền sử dụng, chậm triển khai dự án, không đóng góp vào phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội là một dạng trốn thuế”, ông nói.
Do đó, người đứng đầu bộ này cho rằng phải sử dụng công cụ tài chính là chính sách thuế. Khi dự án đấu thầu, đấu giá phải xác định thời điểm, kể cả nhà ở thương mại, khu công nghiệp sau thời gian bao lâu được hưởng chính sách ưu đãi và phải làm xong. Còn nếu không làm xong, đất đó phải tăng thuế lũy tiến đánh vào để bổ sung nguồn thuế. Bộ trưởng Hà nhấn mạnh. Về thuế sử dụng đất, với dự án chậm sử dụng đất khi đấu giá, theo Bộ trưởng Hà, phải đưa ra lộ trình sử dụng và coi đây là quy định bắt buộc. “Nếu kéo dài thì phải có biện pháp đánh thuế tránh đầu cơ, trục lợi. Thuế này tăng như thế nào thì sẽ bàn tiếp. Đánh thuế cao hơn với các trường hợp đầu cơ, găm đất, bởi các trường hợp này không làm phát sinh giá trị kinh tế xã hội. Đánh thuế cao cũng khiến người đang ôm đất phải từ bỏ. Giá đất đang cao có thể thấp xuống”, ông nói.
Với câu hỏi tại sao chậm đề xuất chính sách người nhiều nhà, nhiều đất sẽ bị đánh thuế cao, Bộ trưởng cho biết điều này phải sửa trong luật thuế và luật đất đai. “Tại Mỹ, người dân rất sợ khi có nhà mà không ở, không cho thuê. Do đó, kể cả nhà ở, đất ở, dự án không đầu tư, kể cả đất nông nghiệp không sử dụng, chúng ta đánh vào thuế sử dụng hiệu quả đất. Người có 5-6 nhà nhưng nhà nào không ở, không sinh lời cho xã hội như cho thuê, kinh doanh thương mại phải đánh thuế”, ông nói.
Trước đó, khi thảo luận về vấn đề đánh thuế BĐS, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm phải đánh thuế vào các BĐS không sử dụng, bỏ hoang, dùng để đầu cơ để hạn chế thực trạng này. Tuy nhiên chỉ giải quyết vấn đề thuế thôi thì vẫn chưa phải là “bài thuốc” trị dứt căn bệnh của thị trường BĐS hiện nay. Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, mâu thuẫn lớn nhất của thị trường BĐS hiện tại và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung-cầu. Tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn chưa được tháo gỡ đẩy giá nhà đất tăng cao, dẫn đến tình trạng đầu cơ, lướt sóng. Chính vì vậy, để hạ giá nhà, việc từ gốc cần là tăng nguồn cung, không phải là đánh thuế tạo sức nặng tâm lý ngắn hạn lên nguồn cầu.
Theo đó, giải pháp căn cơ để tạo nguồn cung trên thị là giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung. Sản phẩm BĐS dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh. Giải pháp này vừa giúp tạo lập một thị trường ổn định vừa giúp kéo giảm giá nhà, tăng thêm cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân. Một khi thị trường ổn định, tình trạng đầu cơ sẽ được kiểm soát.