Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Chung cư chưa hết hạn sử dụng nhưng mất an toàn cũng sẽ buộc tháo dỡ”
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), quyền sở hữu chung cư chỉ chấm dứt khi nhà chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt. Đồng thời, nếu chung cư chưa hết hạn sử dụng nhưng mất an toàn cũng sẽ buộc tháo dỡ.
Phát biểu tại phiên họp chiều 17/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), quyền sở hữu chung cư chỉ chấm dứt khi nhà chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt. Trong trường hợp nếu chung cư chưa hết hạn sử dụng nhưng mất an toàn cũng sẽ buộc tháo dỡ.
Ông Nghị cũng nhấn mạnh, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là một dự án luật quan trọng, nhạy cảm, được nhân dân và dư luận xã hội quan tâm rất lớn.
Về nội dung liên quan đến quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư mà nhiều đại biểu và dư luận quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh Bộ Xây dựng trình quy định này vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân khi công trình mất an toàn, không đảm bảo điều kiện sử dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá chung cư là công trình đặc thù, có nhiều người sử dụng, khi xuống cấp, hư hỏng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an toàn tài sản, tính mạng của cư dân. Từ thực tế như vậy, trên cơ sở kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế, Bộ Xây dựng mới đưa ra đề xuất quy định như trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
“Việc quy định thời hạn cũng xuất phát từ thực tiễn công tác cải tạo chung cư cũ. Hiện, cả nước có 5.687 chung cư, ở Hà Nội có hơn 3.015 chung cư, TP.HCM có 1.568 chung cư. Trong đó xây dựng trước năm 1994 có 1.850 chung cư Hà Nội và hơn 400 chung cư ở TP.HCM”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quyền sở hữu nhà chung là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm được nhân dân quan tâm và có ý kiến rất khác nhau. “Quyền sở hữu chung cư có thời hạn như Chính phủ trình là với mục đích bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, không nhằm mục đích nào khác", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Trên cơ sở phân tích ý kiến “không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn” của cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, nên chia ra các trường hợp, điều kiện khác nhau với chung cư, khu chung cư bắt buộc phải phá dỡ, cải tạo.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ phân chia trường hợp, điều kiện chung cư bắt buộc phải phá dỡ do bất khả kháng vì thiên tai, dịch họa, hỏa hoạn; hoặc do nguy hiểm, trong đó có trường hợp chung cư nguy hiểm khi chưa hết thời hạn sử dụng nhưng xuống cấp, cần tháo dỡ.