Bình Dương muốn làm 12 tuyến metro kết nối TP.HCM và Đồng Nai

Tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ đầu tư 12 tuyến metro kết nối nội tỉnh, kết nối Bình Dương với TP. HCM và khu vực Đồng Nai.

Bình Dương sẽ phát triển 12 tuyến metro

Theo Quyết định số 790/QĐ – TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng 12 tuyến đường sắt đô thị (metro), kết nối nội khu Bình Dương, kết nối Bình Dương với TP. HCM và khu vực Đồng Nai.

Trong đó, các tuyến metro số 1 và số 2 kết nối Bình Dương với TP. HCM được tỉnh Bình Dương ưu tiên đầu tư, tạo mạng lưới vận tải công cộng hiện đại, mở ra không gian phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư tuyến metro số 1 TP. Bình Dương - Suối Tiên.

Dự án metro số 1 này có chiều dài tuyến chính dự kiến là 29km, đi qua 4 thành phố của tỉnh Bình Dương là Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Tuyến đường sắt này có điểm đầu tại ga S1, thuộc phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một. Điểm cuối là ga bến xe Suối Tiên (tuyến metro số 1 TP. HCM) thuộc phường Bình Thắng, TP. Dĩ An, Bình Dương.

Riêng tuyến metro số 2 từ Thủ Dầu Một đến ngã tư Bình Phước (TP. HCM), chạy dọc quốc lộ 13 sẽ trở thành trục động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản khu vực Thuận An (Bình Dương).

Tuyến Metro số 2 Bình Dương dài hơn 23km, đi từ trung tâm TP Thủ Dầu Một đến ngã tư Bình Phước, chạy dọc quốc lộ 13 đấu nối vào ga Hiệp Bình Phước (tuyến Metro 3B của TP. HCM).

Dự án tuyến Metro số 2 Bình Dương được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối thông suốt giữa TPHCM và Bình Dương kéo theo sự gia tăng nhu cầu bất động sản dọc tuyến này.

Tuyến 3B TP. HCM được quy hoạch để kết nối TP. Thủ Đức (TP. HCM) với TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương). Tổng chiều dài của tuyến khoảng 12,2 km với 8 ga ngầm và 2 ga trên cao. Lộ trình của tuyến Metro 3B bắt đầu từ Ngã 6 Cộng Hòa đi qua trục đường Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Quốc lộ 13 và cuối cùng kết thúc tại ga Depot Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức).

Tuyến này có vai trò kết nối trung tâm TP. HCM với khu vực Đông Bắc thành phố và trong tương lai sẽ kéo dài đến TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương), dọc theo quốc lộ 13, đồng thời kết nối với tuyến Metro số 1 của tỉnh Bình Dương. Tiếp đó, toàn tuyến sẽ được đấu nối đến Chơn Thành (Bình Phước) và cửa khẩu Hoa Lư, đi song song với quốc lộ 13 và đường cao tốc TP. HCM – Chơn Thành – Hoa Lư (CT.30).

Khoảng 60.000 tỷ cho tuyến metro số 1 kết nối với TP. HCM

Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đi trên cao từ ga trung tâm thành phố mới Bình Dương, theo đường Hùng Vương đến giao với đường ĐX.01.

Tiếp đó, metro số 1 đi theo đường ĐX.01 đến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, qua nút giao Bình Chuẩn đi song song với đường sắt TP. HCM - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng đến ga Suối Tiên.

UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị TP. HCM thống nhất phương án sử dụng chung hạ tầng tại depot Long Bình thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ở giai đoạn sau khi 2 tuyến metro số 1 của TP.HCM và tỉnh Bình Dương tăng số lượng đoàn tàu, tỉnh Bình Dương sẽ đầu tư depot tại phường Phú Chánh (TP. Tân Uyên).

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 56.300 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị nguồn vốn gồm ngân sách tỉnh là 21.650 tỷ đồng (39%); vốn huy động 23.380 tỷ (41%) và Trung ương hỗ trợ 11.260 tỷ đồng (20%).

Metro số 1 của Bình Dương cùng metro số 1 của TP. HCM sẽ tạo thành tuyến đường sắt của vùng (TP. mới - Suối Tiên - Bến Thành), góp phần thuận tiện cho người dân đi lại.

Về tiến độ, tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng xem xét trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong quý II/2025. Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ các thủ tục tiếp theo để khởi công công trình vào quý II/2027 và đưa dự án vào khai thác thương mại vào cuối năm 2031.

Trần Lê

Theo VietnamFinance