“Bong bóng” bitcoin liệu có thể tan vỡ?
Đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới Bitcoin gần đây đã tăng lên mức kỷ lục 57.553 USD trên một Bitcoin. Với những diễn biến lên-xuống khá phức tạp kể từ khi ra đời đến nay, hiện vẫn còn nhiều hoài nghi cũng như dự báo đầy hứa hẹn về giá trị trong tương lai của đồng tiền ảo vốn có tính biến động cao này.
Tiền ảo, sốt thật
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá đồng tiền số Bitcoin đã tăng hơn 86%. Giá của Bitcoin hiện đã cao hơn 10 lần so với mức thấp nhất của năm 2020 là dưới 5.000 USD (vào tháng 3/2020).
Cũng trong thời gian gần đây, Bitcoin đã chứng kiến sự tham gia đông đảo của cả nhà đầu tư cá nhân lẫn các tổ chức. Mới nhất là hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã đầu tư 1,5 tỷ USD mua Bitcoin. Năm ngoái, Công ty Square của tỷ phú Jack Dorse – người sáng lập mạng xã hội Twitter cũng bắt đầu mua Bitcoin.
Ngân hàng đầu tư JPMorgan đã đưa ra dự báo đồng Bitcoin có thể cạnh tranh với vàng, bởi nó bắt đầu được xem như một tài sản “tránh bão” trong thời kỳ khủng hoảng. (Ảnh: Internet).
Quỹ ETF Bitcoin đầu tiên của Bắc Mỹ Purpose Bitcoin ETF cho phép nhà đầu tư rót tiền trực tiếp vào Bitcoin mà không cần thông qua ví điện tử cũng đã có một khởi đầu tích cực khi ghi nhận khối lượng giao dịch cổ phiếu đạt 165 triệu USD.
Ông Todd Gordon – Nhà sáng lập TradingAnalysis.com (kênh thông tin phân tích thị trường uy tín của thế giới) dự báo đà tăng của Bitcoin sẽ không sớm dừng lại và sẽ không gặp phải ngưỡng kháng cự thực sự nào cho tới 170.000 USD.
Jeffrey Gundlach – CEO của DoubleLine Capital, người trước đó từng cảnh báo về khả năng “bong bóng Bitcoin” nổ tung, cũng đã thay đổi quan điểm và tuyên bố Bitcoin là tài sản tốt để đầu tư. Anthony Pompliano – đồng sáng lập Công ty quản lý tài sản Morgan Creek Digital Assets cũng dự báo giá Bitcoin có thể chạm mốc 500.000 USD vào cuối thập kỷ này và sau đó thậm chí có thể đạt tới 1 triệu USD.
Đầu tư sinh lời hay canh bạc rủi ro
Đầu năm nay, hãng dịch vụ tài chính JPMorgan đưa ra dự báo đồng Bitcoin có thể đạt mức giá “lý thuyết” trong dài hạn là 146.000 USD, khi đồng tiền ảo này bắt đầu cạnh tranh với vàng, bởi nó bắt đầu được xem như một tài sản “tránh bão” trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, các chiến lược gia của JPMorgan đã cảnh báo sẽ có nhiều rủi ro khi Bitcoin tiếp tục tăng giá ở mức “khủng”, và biến động mạnh gấp 5 lần so với vàng.
Song song với đó, việc Tesla quyết định chi 1,5 tỷ USD mua Bitcoin, đồng thời chấp nhận thanh toán các giao dịch bằng loại tiền điện tử này cũng được nhiều chuyên gia đánh giá như “những gì Bitcoin dễ dàng đạt được thì cũng dễ dàng đánh mất”.
Nhìn vào thực tế, Bitcoin cũng gây ra những biến động khó lường và những tác động không nhỏ đến hệ thống tài chính toàn cầu kể từ khi nó ra đời cho đến nay. (Ảnh: Internet).
Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số ra đời từ cách đây hơn 1 thập kỷ, vào ngày 31/10/2008, và chính thức được giao dịch từ năm 2009, với mục đích nhằm thay thế cho hệ thống ngân hàng truyền thống. Khác với các đồng coin còn lại, Bitcoin bị giới hạn về số lượng khai thác. Trên thực tế, chỉ có tổng cộng 21 triệu Bitcoin có thể được khai thác. Càng về sau, mức độ khai thác Bitcoin càng khó hơn. Một khi các “thợ đào” đã mở khóa số Bitcoin này, nguồn cung sẽ cạn kiệt.
Mark Karpeles – Cựu CEO của sàn giao dịch Bitcoin Mt. Gox đã chia sẻ: “Nếu mua Bitcoin, phải chấp nhận một sự thật là giá trị đồng tiền này có thể bằng 0 bất cứ lúc nào. Không có gì đảm bảo giá trị của nó. Mặc dù ngày càng có nhiều người mua Bitocin, nhưng đây vẫn là một khoản đầu tư rủi ro cao”.
Dù không thể phủ nhận tiền điện tử là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của tiền tệ, khi thế giới đang trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng thực tế Bitcoin cũng gây ra những biến động khó lường và tác động không nhỏ đến hệ thống tài chính toàn cầu.
Chính bởi vậy, nếu không có hình thức quản lý hợp lý và hiệu quả thì bitcoin nói riêng và các đồng tiền kỹ thuật số khác nói chung có thể sẽ gây ra những hệ lụy khác ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách tiền tệ, tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.