BRG, Sun Group, Vingroup, Saigontourist nêu loạt kiến nghị để phục hồi du lịch

Các doanh nghiệp lớn như BRG, Sun Group, Saigontourist, Vingroup đều cho rằng cần tăng cường quảng bá về thị trường, mở rộng chính sách cấp thị thực, ưu đãi hợp lý về thuế… để thu hút khách du lịch đến với Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga.

Ngày 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam phải có những cải cách mạnh hơn nữa.

"Năm 2019 chúng ta đón 18 triệu lượ khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu, 2023 chúng ta mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì năm 2030 chúng ta đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách", ông Trường dẫn chứng và nhấn mạnh nếu như không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì Việt Nam sẽ về sau.

Để phát triển du lịch trong thời gian tới, lãnh đạo Sun Group đưa ra 2 đề xuất. Thứ nhất, các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh.

Đại diện Sun Group phát biểu tại hội nghị.
Đại diện Sun Group phát biểu tại hội nghị.

Chúng tôi mong muốn các quy trình được rút gọn làm sao chỉ trong 1 kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay từ tháng 1/2023. Cụ thể, các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 -45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần", phía Sun Group nhấn mạnh.

Đề xuất thứ hai của Sun Group là Việt Nam cần nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.

"Ngày 4/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143 giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đề xuất giải pháp nghiên cứu mở rộng đối tượng miễn visa nhập cảnh đơn phương. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sớm ban hành nghị quyết về vấn đề này, có thể trước mùa du lịch mùa hè để chúng ta đón du khách, thực hiện mong muốn đón 8 triệu khách, thậm chí còn hơn trong năm 2023", Chủ tịch HĐQT Sun Group nói.

Cũng phát biểu tại hội nghị này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga thì cho rằng việc đóng thuế ở Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt là thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Bà Nga đề nghị Chính phủ nghiên cứu để điều chỉnh mức thuế này cho phù hợp nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn. Đồng thời cần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao.

Trong thời gian tới, lãnh đạo BRG đề xuất cần tăng cường tập trung quảng bá cho du lịch và tiếp thị hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia. Trong đó, Chính phủ cần tăng ngân sách cho công tác này. BRG cũng cho rằng nên ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời, xây dựng bản sắc văn hóa du lịch cho từng vùng, từng miền.

Đối với vấn đề visa, phía BRG đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch để doanh thu du lịch của chúng ta được tăng hơn.

Nêu kiến nghị tại hội nghị, đại diện Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đưa ra 5 nhóm kiến nghị. Đầu tiên là việc kiện toàn Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch nhằm tăng cường sự chỉ đạo của Chính phủ, sự liên kết, phối hợp của các bộ, ngành để nhanh chóng phục hồi, phát triển ngành du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Kiến nghị thứ hai của Saigontourist là cần sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá quốc tế quy mô lớn, trong đó cụ thể là chiến lược Maketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được ban hành vào đầu tháng 3/2023 một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và với ngân sách tương ứng. Trong đó, tập trung thông tin cho khách quốc tế về điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn và khác biệt. Đồng thời cần sớm có kế hoạch quảng bá cụ thể hàng năm cho từng thị trường khác biệt.   

Đại diện Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đưa ra 5 nhóm kiến nghị.
Đại diện Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đưa ra 5 nhóm kiến nghị.

Nhóm kiến nghị thứ ba là cần tập trung đẩy mạnh quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch dành cho khách quốc tế trên cơ sở liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp như lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác lớn, địa phương. Trong đó, cần chú trọng tăng cường khai thác khách du lịch cao cấp quốc tế, khách du lịch đến Việt Nam thông qua các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế đầu tư, hội chợ, Hội nghị, các sự kiện thể thao và văn hóa quốc tế...

Kiến nghị tiếp theo mà Saigontourist đưa ra là cần tiếp tục tăng cường vai trò đại diện của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia.

"Du lịch quốc tế là một ngành kinh tế đối ngoại, một ngành xuất khẩu tại chỗ quan trọng mang lại nguồn thu lớn ngoại tệ, việc làm cho hàng triệu lao động do đó cần được quan tâm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thông qua các hoạt động đối ngoại của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cùng với công tác xúc tiến thương mại, đầu tư trong nhiệm vụ đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển đất nước", phía Saigontourist nhấn mạnh.

Cuối cùng, đại diện Saigontourist kiến nghị cần duy trì và tăng cường công tác truyền thông chính sách, liên tục cập nhật tin tức, sự kiện quan trọng, chính sách mới nhất liên quan đến du lịch Việt Nam như chính sách, thủ tục về xuất nhập cảnh.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Vingroup cũng bày tỏ nhất trí với những đề xuất về giải pháp như quảng bá về thị trường, mở rộng chính sách cấp thị thực, ưu đãi hợp lý về thuế… để thu hút khách du lịch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.

Tuệ Lâm

Theo VietnamFinance