Các địa phương trông chờ đột phá từ đường sắt tốc độ cao
Lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp đánh giá, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam là cơ hội lớn, tạo đột phá mới cho phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các tỉnh miền Trung.
Động lực mới cho miền Trung
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có chiều dài khoảng 1.545km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh/thành, với tốc độ tối đa 350km/h.
Đánh giá về dự án này, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, nếu triển khai, tuyến đường sẽ tác động rất tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt giải quyết những vấn đề liên quan đến giao thông chất lượng cao của nước ta.
Theo ông Quảng, miền Trung kéo dài từ Thành Hóa đến Bình Thuận, đi lại rất khó khăn nhưng hầu như không có kết nối về đường bay. Các địa phương chủ yếu liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông đường bộ. Vì vậy, muốn nhanh hơn nữa thì phải có đường sắt tốc độ cao.
“Bài học vừa rồi khi máy bay khó khăn, du lịch phát triển được là nhờ đưa đón hành khách bằng đường sắt, mở tuyến kết nối Đà Nẵng – Huế. Vì vậy cần phải phát triển đường sắt cao tốc cho vùng miền Trung”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cũng đánh giá, đây là cơ hội lớn không chỉ riêng cho Phú Yên mà đối với cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Cùng với cao tốc đường bộ Bắc - Nam, cao tốc đường sắt Bắc - Nam sẽ tăng cường thêm cho hệ thống giao thông, hệ thống kết nối giữa các địa phương.
Hiện nay, đường bay đi Hà Nội và TP. HCM thuận lợi nhưng các tỉnh miền Trung còn khó khăn, nhất là giai đoạn này khi các chuyến bay bị cắt giảm. Khi có tuyến cao tốc đường sắt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh miền Trung. Và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, khi có tuyến cao tốc đường sắt đi qua thì khu vực xung quanh nhà ga sẽ tạo ra một cơ hội mới để phát triển kinh tế cho địa phương đó.
“Tuyến đường sắt cao tốc sẽ tác động rất tích cực đến ngành du lịch nói riêng và các ngành kinh tế của Phú Yên nói chung. Nó cũng sẽ giảm áp lực cho đường bộ, vừa tiết kiệm chi phí logisitics cho các doanh nghiệp, chi phí đi lại cho người dân, tạo thuận lợi chủ động trong di chuyển cho người dân và doanh nghiệp”, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nói thêm.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhận định, đây là quyết định rất đúng đắn bởi tuyến đường sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các tỉnh miền Trung, trong đó có Khánh Hòa. Nha Trang là điểm giữa của miền Bắc vào và miền Nam ra, khi có tuyến đường này, khách du lịch di chuyển đến với Nha Trang sẽ gần hơn và Khánh Hòa là địa phương được hưởng thụ.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cũng cho rằng, việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc là một vấn đề rất quan trọng trong việc kết nối các địa phương. Đặc biệt là kết nối giữa các trung tâm du lịch của cả nước, thuận lợi cho việc đi lại giao lưu giữa các địa phương trong cả nước nói chung, khu vực miền Trung nói riêng. Đồng thời, góp phần rút ngắn khoảng cách, thời gian, hỗ trợ cho phát triển kinh tế của địa phương rất lớn.
Ông Lê Trường Lưu cho hay, vừa qua khi tình hình vé máy bay tăng cao, thực hiện chủ trương liên kết vùng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức chuyến tàu du lịch. Đây là mô hình rất tốt, giúp điều tiết khoảng cách gần lại hơn giữa các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong quá trình du lịch. Đặc biệt, chuyến tàu đi qua khu vực đèo Hải Vân - một cảnh quan rất đẹp của Việt Nam, cũng là một hình thức quảng bá du lịch trên tuyến này.
“Chúng tôi hy vọng nếu xây dựng được hệ thống tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ tạo ra đột phá mới trong phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và điều tiết nhân lực giữa các địa phương thuận lợi hơn”, ông Lưu nói.
Không đầu tư sẽ rất lãng phí
Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị thời gian tới tiếp tục có giải pháp tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, trong đó đường sắt tốc độ cao.
“Nếu như giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đã tạo ra sự đột phá về mạng lưới đường bộ cao tốc thì trong giai đoạn 2026-2030 cần tập trung để tạo đột phá trong đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt đô thị”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề xuất.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng chia sẻ: “Có thể nói đây là mơ ước của các doanh nghiệp du lịch nói chung và các doanh nghiệp ở du lịch miền Trung nói riêng. Cao tốc đường sắt đi vào hoạt động sẽ tăng khả năng tiếp cận điểm đến một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, dễ dàng nhất. Đồng thời, góp phần mở rộng thị trường khách một cách mạnh mẽ, kết nối với các địa phương có dịch vụ du lịch với các địa phương có khách, tạo sự đồng đều trong phát triển du lịch trên tuyến, không chỉ thúc đẩy phát triển trong nước mà còn tạo điều kiện để phát triển du lịch quốc tế bền vững trong dài hạn”.
Theo ông Dũng, phương tiện đường sắt là phương tiện ưa thích của rất nhiều du khách quốc tế. Tuy nhiên, tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế của đường sắt nước ta chưa đủ cao nên họ buộc phải sử dụng phương tiện hàng không. Khi có đường sắt cao tốc sẽ “kéo” được lượng khách này.
Nhận định về việc khi có đường sắt cao tốc, hàng không có bị cạnh tranh không?, ông Dũng cho rằng, mỗi loại hình phương tiện đều có điểm mạnh khác nhau. Không phải vì chưa có đường sắt cao tốc mà vé máy bay cao và cũng không phải có đường sắt cao tốc thì hàng không sẽ bị cạnh tranh mạnh. Mỗi loại hình sẽ có đối tượng khách riêng, khi có loại hình đường sắt cao tốc sẽ định hình thị trường khách một cách rõ nét. Những khách nào phù hợp đi bằng phương tiện đường sắt thì đó là thị trường của ngành đường sắt, những khách nào phù hợp đi đường hàng không họ sẽ chọn phương tiện hàng không. Thị trường về vận chuyển du lịch đường dài được định hình rõ nét hơn.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cũng cho rằng, đã đến lúc nước ta phải đầu tư hệ thống đường sắt cao tốc bởi không đầu tư sẽ rất lãng phí một nguồn lực vận tải để mở rộng phương tiện vận chuyển đi rộng khắp đất nước.
Khu vực miền Trung lâu nay cước vận chuyển đến 2 đầu rất đắt vì tàu biển không thường xuyên, phải dựa vào đường bộ. Khi có đường sắt cao tốc sẽ giảm được giá vận chuyển, góp phần làm cho giá thành về miền Trung được rẻ hơn, có cơ hội cho các sản phẩm từ miền Trung sản xuất đưa đi 2 đầu đất nước. Cước vận chuyển thấp xuống sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, tuyến đường cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch đối với các tỉnh miền Trung.
“Việt Nam là một đất nước hình chữ S quá dài, nếu vận dụng đúng sẽ thúc đẩy được sự phát triển, nhất là giảm giá logistics. Tuy nhiên, phải có nhiều hoạt động tốt, phù hợp, tránh đầu tư rất lớn nhưng ngược lại cách làm việc không chuẩn”, ông Bình nói.
Ông Bình cho hay, đây là dự án lớn đương nhiên sẽ có những nhà thầu tầm cỡ. Tuy nhiên, nên đề nghị người ta khi chọn nhà thầu B phẩy thì cố gắng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa Việt Nam được tham gia 20%, bởi vì có rất nhiều hạng mục các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia được.