Các ‘hạt nhân’ chìm trong thua lỗ, ‘hệ sinh thái’ của chúa đảo Tuần Châu bị ăn mòn vốn chủ sở hữu
‘Chúa đảo Tuần Châu’ là cái tên đầy vẻ sang trọng khi người ta nói về ông Đào Hồng Tuyển – chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu. Tuy nhiên ‘hệ sinh thái’ của vị ‘chúa đảo’ này lại có kết quả kinh doanh không thực sự hào nhoáng như cái tên của nó.
Tập đoàn Tuần Châu và ‘chúa đảo Tuần Châu’ Đào Hồng Tuyển là ai?
Tập đoàn Tuần Châu tiền thân là Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Âu Lạc Quảng Ninh), thành lập từ ngày 2/8/1997, là chủ đầu tư dự án xây dựng con đường vượt biển dài hơn 2km nối quốc lộ 18 với đảo Tuần Châu.
Theo thông tin từ VietTimes, cập nhật tới ngày 22/10/2020, Âu Lạc Quảng Ninh có vốn điều lệ 2.500 tỉ đồng. Trong đó, ông Đào Hồng Tuyển sở hữu 96% vốn điều lệ. 4% vốn còn lại nắm giữ bởi người con cả Đào Anh Tuấn (SN 1980) – Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Âu Lạc Quảng Ninh. 2 đơn vị khác cũng do ông Đào Anh Tuấn làm TGĐ là CTCP Tuần Châu Hà Nội (Tuần Châu Hà Nội) và CTCP T&H Hạ Long (T&H Hạ Long).
Tháng 2/2017, Âu Lạc Quảng Ninh, T&H Hạ Long và bà Đào Thuỵ Phương Thảo (con gái của ông Đào Hồng Tuyển) đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Sài Gòn Marina City (Sài Gòn Marina City, vốn điều lệ 900 tỉ đồng), Công ty TNHH Sài Gòn New City (Sài Gòn New City, vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng).
Ở một diễn biến khác, tháng 5/2017, ông Đào Hồng Tuyển cùng 4 cổ đông là bà Đặng Trịnh Thanh Phương, ông Hồ Quốc Minh, ông Châu San Phàm, ông Nguyễn Công Thành) thành lập CTCP Đầu tư Tuần Châu Global Capital (Tuần Châu GCI), quy mô vốn điều lệ 5.450 tỉ đồng.
Đến tháng 6/2017, CTCP Đầu tư và Phát triển Tuần Châu (TCDI) được thành lập. Trong đó, Tuần Châu GCI chiếm 99% vốn điều lệ. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của TCDI là ông Châu San Phàm (SN 1984).
Chỉ ít ngày sau khi được thành lập, TCDI đã góp vốn cùng 13 cổ đông cá nhân khác thành lập CTCP Tập đoàn Tuần Châu Holdings (Tuần Châu Holdings Group). Các doanh nghiệp này đều đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 34 Đông Du, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM. Đây cũng là địa chỉ thường trú của ông Đào Hồng Tuyển và một số thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, tới cuối năm 2018, các pháp nhân kể trên (ngoại trừ Sài Gòn New City) đồng loạt giải thể.
‘Hệ sinh thái’ Tuần Châu Group liên tục báo lỗ
Như đã đề cập ở trên ‘hạt nhân’ cốt lõi của ‘đế chế’ ông Đào Hồng Tuyển chính là Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh. Tuy nhiên trong những năm gần đây kết quả kinh doanh của Âu Lạc Quảng Ninh lại cực kỳ ‘bết bát’.
Theo số liệu của VietTimes, trong 3 năm gần nhất đỉnh điểm thua lỗ của Âu Lạc Quảng Ninh chính là năm 2018 khi báo lỗ tới 7,2 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần đạt thấp nhất trong 4 năm (226,1 tỷ đồng). Sau đó vào năm 2019, công ty cũng báo lỗ 57,7 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 739 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019 tổng tài sản của Âu Lạc Quảng Ninh là 3.453,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.020,5 tỷ đồng.
Khi nhắc đến Tập đoàn Tuần Châu, một pháp nhân khác mà người ta không thể bỏ qua đó là CTCP Tuần Châu Hà Nội. Tuy nhiên cũng giống như Âu Lạc Quảng Ninh, công ty của con trai ông Đào Hồng Tuyển cũng có một bức tranh kinh doanh không mấy sáng sủa.
Cụ thể, Trong 4 năm kể từ năm 2016 Tuần Châu Hà Nội liên tiếp thua lỗ. Lần lượt là 24,9 tỷ đồng (năm 2016), 5,9 tỷ đồng (năm 2017), 73,1 tỷ (năm 2018) và đỉnh điểm đó là năm 2019 công ty của ông Đào Anh Tuấn báo lỗ 18,9 tỷ đồng. Tính đến năm 2019 tổng tài sản của Tuần Châu Hà Nội giảm xuống còn 1.264,9 tỷ đồng so với 1.336,6 tỷ đồng (năm 2017). Trong khi đó vốn chủ sở hữu tính đến năm 2019 chỉ vỏn vẻn 26,1 tỷ đồng (Theo VietTimes).
Với việc các ‘hạt nhân’ chủ chốt trong ‘hệ sinh’ thái Tuần Châu chìm trong thua lỗ, vốn chủ hữu của Tập đoàn Tuần Châu đang bị ‘bào mòn’.
Trước đó vào năm 2018, Tập đoàn của ông Đào Hồng Tuyển đã gây xôn xao dư luận khi đề xuất thực hiện siêu dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn theo hình thức hợp đồng BT trong khi chính bản thân đang đứng trong ‘tâm bão’ thua lỗ.